(Báo Quảng Ngãi)- Với trên 346.000 người trong độ tuổi lao động (15-65 tuổi), chiếm trên 65,5% dân số, Quảng Ngãi có nguồn nhân lực hết sức dồi dào phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Mới đây, sau khi tổng kết Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 17 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016-2020. Đây là chủ trương, giải pháp đúng đắn, đặc biệt là đã chỉ rõ những việc cần tập trung nhằm khai thác tốt lợi thế, tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh.
Qua thực tế việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh ta trong những năm qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn rất nhiều tồn tại, cần tập trung giải quyết. Đó là tình trạng một bộ phận cán bộ chưa đủ tâm, đủ tầm, thiếu trách nhiệm trong công việc. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường chưa tìm được việc làm. Số lượng người được đào tạo nghề nhiều nhưng có việc làm và “sống được” với nghề còn ít. Ngành nghề, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Việc thu hút người tài và bố trí, sử dụng người tài vẫn còn hạn chế...
Để giải quyết rốt ráo những tồn tại, hạn chế nêu trên không phải là việc một sớm một chiều. Từ những nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này (2015-2020), Đảng bộ tỉnh đã liên tiếp xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá. Nhưng kết quả thực hiện đến nay vẫn chưa được như mong đợi. Trong Kết luận số 17 của Tỉnh ủy ban hành mới đây, đã nhấn mạnh đến “nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh” chính là xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn đặt ra, cần tập trung giải quyết.
Bác Hồ từng chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thế nên, chúng ta hãy vận dụng tốt tư tưởng của Bác trong việc đánh giá, sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị hiện nay, đặc biệt là cần kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ...
Với nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao của các doanh nghiệp liên tục tăng nhưng chất lượng nguồn lao động của tỉnh ta hiện nay đang còn rất thấp. Do đó, bên cạnh thực hiện tốt dự báo về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta cần tập trung đào tạo lao động theo địa chỉ, gắn với giải quyết việc làm. Phải đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Có như thế mới dần khắc phục được tình trạng yếu kém trong chất lượng nguồn lao động của tỉnh hiện nay.
PHẠM DANH