(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày vừa qua, nhiều địa phương, đơn vị ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5.6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2016. Mỗi năm Ngày Môi trường thế giới có một chủ đề khác nhau. Chủ đề năm nay là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Điều này cho thấy việc bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) hiện nay đang trở nên hết sức cấp thiết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, có nhiều mối đe dọa đối với ĐDSH. Đó là tình trạng biến đổi khí hậu; là nạn chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; là việc săn bắn, buôn bán động vật hoang dã.
Không những thế, sự phát triển công nghiệp, đô thị... với tốc độ nhanh cũng tạo nên áp lực lớn trong việc bảo tồn ĐDSH. Vì thế, thông điệp của Ngày Môi trường thế giới năm nay hướng con người tới các hành vi sống thân thiện với môi trường; kêu gọi cộng đồng quan tâm, chung tay bảo vệ hệ sinh thái của trái đất.
Nhưng bảo vệ môi trường không chỉ là “nói suông” mà cần hành động cụ thể, không chỉ bảo vệ môi trường theo từng tháng mà cần thực hiện liên tục, qua nhiều năm. Và đặc biệt, bảo vệ môi trường không phải là chuyện của tổ chức hay đơn vị nào mà nó cần sự chung tay của cả cộng đồng. Còn nhớ, cuối năm 2012, trước nguy cơ săn bắt kiểu tận diệt của người dân, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á đã chọn Quảng Ngãi thực hiện Đề án phát triển Trung tâm cứu hộ và Khu bảo vệ sinh cảnh loài, nhằm giữ gìn và trả lại môi trường sống hoang dã cho rùa Trung Bộ. Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua, Đề án này vẫn chỉ trên giấy tờ, vì nguyên nhân chính là đề án này chưa nhận được sự đồng thuận cao từ phía cộng đồng, vì người dân vùng hưởng lợi chưa thấy... lợi ích từ dự án.
Về mặt thể chế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã có Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nước ta đã có Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Việt Nam cũng đã tham gia Công ước về ĐDSH (CBD) và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học... Song vấn đề là, những nội dung này cần được triển khai và “xâm nhập” đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, để người dân hiểu bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng và bản thân mỗi người.
Không cần làm gì quá lớn lao, mỗi người dân đều có thể góp phần làm thay đổi những vấn đề của môi trường bằng những hành động nhỏ và thiết thực. Đó là nói không với săn bắt và buôn bán động vật hoang dã; là áp dụng các biện pháp đánh bắt thủy sản thân thiện, thay vì khai thác theo kiểu tận diệt. Hay chỉ cần mỗi ngày, mỗi người làm một việc nhỏ như nhặt rác bỏ vào nơi quy định, tham gia làm sạch khu phố, khu dân cư mà mình đang sống; mỗi người, mỗi năm tham gia trồng một cây xanh... Làm được như vậy, thì mỗi người dân và cả cộng đồng đã góp phần làm cho môi trường ngày càng trở nên đáng sống hơn.
HOÀNG TRIỀU