(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các bữa cơm gia đình... vấn đề “thực phẩm bẩn” lại trở thành đề tài được bàn luận sôi nổi.
Giữa một rừng mơ hồ về thông tin đại loại như: “Uống cà phê gây ung thư”, “Nông dân trồng luống rau để gia đình mình ăn, luống để bán”... đã tạo ra một tâm lý đám đông hoài nghi về thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường. Người tiêu dùng cảm thấy giận dữ, nghi ngờ, thậm chí có người còn miệt thị những người mà họ cho rằng đang đầu độc họ qua các bữa ăn.
Thực phẩm bẩn là gì? Có lẽ, người tiêu dùng cũng khó phân biệt được. Khi mà các chứng cứ khoa học về việc sử dụng hóa chất trong việc bảo quản, tạo gia vị là nguyên nhân gây ung thư vẫn chưa rõ ràng thì người dân vẫn đinh ninh rằng mình đang đối mặt với nguy cơ “rước bệnh” vào người.
Thực phẩm bẩn có đang tồn tại không? Chắc chắn là có, nhưng tỷ lệ bao nhiêu so với thực phẩm sạch là điều chưa có thống kê chính xác. Thậm chí, tác hại của thực phẩm bẩn dường như cũng được truyền thông loan tin rất mơ hồ: “Sử dụng nhiều có thể gây ung thư”. Nhiều là bao nhiêu, ung thư là ung thư gì?
Thông tin cho người dân biết để tránh mua những thực phẩm bẩn là cần thiết, nhưng sự "nhiệt tình" thái quá của truyền thông có thể tạo ra một bức tranh về thị trường tiêu dùng đầy màu xám. Cần khẳng định, một trang trại nuôi heo bằng chất cấm không thể đại diện cho cả ngành chăn nuôi, một cơ sở sản xuất cà phê bẩn không phải là toàn bộ cà phê được bày bán trên thị trường... Người nông dân đã quá nhọc nhằn rồi, đừng khiến họ thêm khốn đốn bởi những thông tin mơ hồ ấy.
Liên quan đến vấn đề thực phẩm bẩn, chỉ hai ngày sau khi có những phát ngôn gây hiểu lầm về vấn đề an toàn thực phẩm ở nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã phải xin lỗi người dân. Tuy nhiên, người dân cần nhiều hơn là một lời xin lỗi từ Bộ trưởng. Lời xin lỗi ấy chỉ thực sự giá trị nếu đi kèm với hành động.
Thực tế hiện nay cho thấy, công tác quản lý, kiểm soát nguồn thực phẩm chưa được thực hiện chặt chẽ, nên đây là kẽ hở để "thực phẩm bẩn" tràn ra thị trường. Đã có những điều khoản quy định về vấn đề này nhưng chưa theo kịp với yêu cầu đặt ra. Hơn nữa, việc giám sát các nguồn thuốc tăng trưởng kích thích cây trồng, vật nuôi thật sự đang có vấn đề. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người nuôi trồng, sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, trách nhiệm thực hiện công vụ của những cơ quan quản lý, kiểm soát thực phẩm phải được nâng cao; các ban ngành phải phối hợp nhịp nhàng, khoa học vì mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng...
Trong lời xin lỗi, Bộ trưởng Cao Đức Phát có nói: “Trong lòng tôi thực sự mong muốn nỗ lực cùng đồng nghiệp để nhân dân được sử dụng thực phẩm an toàn”. Người dân đang đặt niềm tin vào điều ấy!
NGUYỄN TRIỀU