Thủ tướng: Doanh nghiệp lớn mạnh thì đất nước hùng cường

10:04, 29/04/2016
.

Với quan điểm doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước, tại hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định: Việt Nam có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân, như nhà bác học Lê Quý Đôn đã tổng kết. Đặc biệt Bác Hồ ngay sau khi giành được độc lập đã gặp doanh nhân. Tinh thần doanh nhân là lúc khó khăn, doanh nhân có mặt để xây dựng đất nước.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước đã tập trung làm thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nhìn chung là tốt, tạo điều kiện hơn trước rất nhiều, với nhiều quy định tiến bộ để phục vụ doanh nghiệp phát triển. Chính vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần phát triển đất nước như ngày nay.
 
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, với tư cách một Đảng lãnh đạo, một Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, chúng ta cần nhìn nhận thực chất bức tranh hiện tại là chúng ta đã nỗ lực nhiều, hành động nhiều, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh hiện tại của chúng ta vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.
 
Thủ tướng nhấn mạnh các điểm tồn tại: Việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để DN phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; công tác cổ phần hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế; hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, khả năng kết nối của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp; thực tế triển khai các cải cách chưa đạt mục tiêu đề ra...
 
Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển. Doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu".
 
Không "sớm nắng, chiều mưa" về chính sách
 
Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
 
Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”.
 
Đặc biệt, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, doanh nghiệp tự đánh giá được để tuân thủ.
 
“Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm doanh nghiệp này phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước “coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế”.
 
Cho rằng nhận thức, cam kết của các bộ, ngành đối với doanh nghiệp rất quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh, “như đồng chí Bộ trưởng Công an vừa nói, Chính phủ cũng như ngành Công an không có chủ trương hình sự hoá các quan hệ kinh tế”, nhưng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm như xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người dân.
 
Đối với những doanh nghiệp hoạt động công ích, hoạt động có tính rủi ro lớn, làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, Nhà nước có cơ chế quản lý phù hợp.
 
Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Phải bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua...
 
Một trong những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, là sẽ giảm 1% lãi suất trung, dài hạn, trong một số lĩnh vực ưu tiên; yêu cầu Bộ KH&CN phối hợp với NHNN xem xét có gói hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ.
 
Mỗi địa phương phải công khai đường dây nóng, website, hướng dẫn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tăng cường chống tham nhũng, quan liêu. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Thủ tướng ký ban hành (ngày 28/4/2016), với tinh thần lớn là các chỉ tiêu đạt mức ASEAN-4.
 
“Báo chí truyền thông phải đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ thương hiệu sản phẩm Việt Nam, phải đóng vai trò tôn vinh doanh nghiệp”, Thủ tướng nêu rõ.
 
Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp nêu cao tinh thần dân tộc, nói không với gian lận, trốn lậu thuế, kinh doanh trái phép, làm ăn bất chính, vô cảm với đồng bào.
 
Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết và khẳng định: Doanh nghiệp lớn mạnh thì đất nước hùng cường.
 
UBND TP. Hà Nội, UBND TPHCM và VCCI ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TPHCM.
 
Thủ tướng nêu rõ, việc ký cam kết trên là ký mẫu giữa Hà Nội, TPHCM và VCCI, sau đây tất cả các địa phương trong cả nước đều phải cam kết như Hà Nội và TPHCM đã làm. Đây là những nội dung thiết thực và Chính phủ sẽ kiểm tra.
 
Theo Chinhphu.vn

.