(Baoquangngai.vn)- Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm vào sáng 27.4. Tham dự hội nghị ở phía đầu cầu Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chủ trì hội nghị.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động đồng bộ trong việc quản lý, bảo đảm ATTP trên tất cả các khâu. Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP trong thời gian này đã được đẩy mạnh hơn với nhiều hình thức thích hợp. Các cơ quan báo chí liên tục có các chương trình, chuyên mục thông tin tuyên truyền về thực phẩm an toàn và những vụ việc vi phạm.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đến tháng 3.2016 còn 0,66%. Qua đợt cao điểm ATTP, mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể. Nhưng cũng có những sản phẩm vi phạm với tỷ lệ cao hơn như thủy sản với các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn là 7,27%.
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Quảng Ngãi |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, giai đoạn 2012-2014, trung bình mỗi năm thanh tra liên ngành ATTP đã tiến hành thanh, kiểm tra khoảng 470 nghìn cơ sở, phát hiện trên 99.350 cơ sở vi phạm. Riêng quý I.2016, kiểm tra tại 109.195 cơ sở, phát hiện 20.572 cơ sở vi phạm.
Nước ta có tới hàng triệu hộ nhỏ lẻ tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đây, nguy cơ không đảm bảo ATTP xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhất là tại các hộ nông dân, trang trại nhỏ. Trong khi đó, công tác đảm bảo ATTP trên cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đơn cử như, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức. Chưa có nhiều hỗ trợ cho người dân phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; Vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng chất tạo nạc, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng…
Tại hội nghị trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương tiến hành bàn thảo, đưa ra những giải pháp chính để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay cần phải xác định rõ ràng trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, địa phương và xử lý nghiêm.
Công tác thanh, kiểm tra còn theo kiểu đối phó, có sự thông đồng, bao che, cần phải có sự chỉnh đốn. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các chợ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn quy mô lớn, tăng cường phối hợp giữa các địa phương…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.
Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương phải có nguồn kinh phí đảm bảo việc thanh, kiểm tra, xử lý tiêu hủy thực phẩm bẩn. Cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm minh những trường hợp vi phạm, cần thiết thì khép vào mức xử lý hình sự. Các lực lượng chức năng phải tập trung điều tra, phát hiện sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tinh thần trách nhiệm cao.
Cùng với việc tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm, thì khâu sản xuất thực phẩm tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng phải được công khai minh bạch quy trình. Thủ tướng khuyến khích phát triển mô hình sản xuất thực phẩm tươi sống sạch, an toàn để người dân có niềm tin, sử dụng an toàn.
Tin, ảnh: Thanh Phương