(Baoquangngai.vn)- Trong khuôn khổ chương trình làm việc của hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 3, trong ngày 12.4, các biểu tham dự hội nghị đã nghe và tập trung thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết 03-của Tỉnh ủy khóa XVIII về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020.
Kinh tế nông nghiệp phát triển chưa bền vững
Sau phát biểu khai mạc hội nghị của Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ, theo sự phân công của chủ trì hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tài đã trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XVII về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo đó, 5 năm qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năng động sáng tạo trong tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy mà giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,3%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra là từ 4-4,5%, đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 650 tỷ đồng so với năm 2011. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 71 triệu đồng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ gần 25 triệu đồng/ha. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 161.700 tấn, tăng 57.500 tấn so với năm 2010.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2015 đã có 11 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, số tiêu chí bình quân/xã đạt 9,14 tiêu chí, tăng hơn 5 tiêu chí so với năm 2011.
|
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Lê Viết Chữ phát biểu tại hội nghị. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế nông nghiệp của tỉnh tuy phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm; xây dựng nông thôn mới, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa đạt yêu cầu đề ra; chưa tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung; chăn nuôi còn mang tính nhỏ lẻ, giá trị thấp; cơ cấu cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh mất cân đối.
Cùng với đó, số lượng tàu thuyền khai thác hải sản tăng nhanh nhưng cơ sở thu mua, chế biến quy mô nhỏ. Mối liên kết 4 nhà còn nhiều khó khăn, vai trò "bà đỡ" của các hợp tác xã nông nghiệp còn rất yếu. Việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm so với bình quân cả nước, không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh.
Thảo luận việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ, các đại biểu cho rằng, kinh tế nông nghiệp tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thật sự bền vững, nhận thức của cán bộ và nhân dân chưa toàn diện; Công tác tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân còn hạn chế; Tỉnh chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích đầu tư cho sản xuất; Nợ đọng trong xây dựng cơ bản nhiều; Vai trò của khoa học công nghệ chưa trở thành động lực cho sản xuất; Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều, tín dụng cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn...
|
Đại biểu tham gia thảo luận về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. |
Liên quan đến tác dồn điền đổi thửa, Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu đặt vấn đề, việc tích tụ, tập trung đất đai bằng cách nào? Đây là điều đáng bàn. Chúng ta làm được việc này sẽ phát huy được nguồn lực lao động tại chỗ và lao động làm ăn xa trở về địa phương; đồng thời sẽ phát huy được giá trị nguồn lực đất đai, thu hút các doanh nghiệp về nông thôn đầu tư. Đây cũng chính là nội dung cốt lõi cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng bảo đảm giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
"Thời gian qua việc xây dựng NTM chúng ta đang nặng về việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đôi khi xem nhẹ và buông lỏng việc phát triển sản xuất. Trong khi đó, việc đầu tư cho phát triển sản xuất rất cần thiết, nhưng mà nguồn vốn để đầu tư khuyến khích cho việc phát triển sản xuất cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì hạn chế"- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành- Phan Bình bày tỏ. |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần ưu tiên cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh tế thị trường cho người nông dân; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn để chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao giá trị hàng nông sản.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động mạnh mẽ hơn nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, quan tâm các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản trong môi trường hội nhập, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm, thị trường, giá cả nông sản. Cần có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ trong công tác dồn điền đổi thửa và tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp; có chính sách khuyến khích các hợp tác xã, dịch vụ và có chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện của miền núi trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới,…
Phát biểu kết luận việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XVIII, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ khẳng định, sau 5 năm triển khai, kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên. Đây là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.
Giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy nhanh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ yêu cầu, các cấp ủy đảng cần xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo triển khai đạt kết quả.
Tiếp tục hoàn thành việc điều chỉnh bổ sung các quy hoạch ngành, sản phẩm nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tháo gỡ khó khăn, khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành những cánh đồng lớn đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao chất lượng giá trị nông sản.
Đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn như giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nông nghiệp vừa là chủ thể vừa là lực lượng tiên phong, trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Cần điều chỉnh bổ sung và ban hành các cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, có chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo đầu ra ổn định cho nông sản...
Kinh tế - xã hội miền núi phát triển nhưng chưa mạnh
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, kinh tế- xã hội các huyện miền núi chuyển biến tích cực; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 16,65%/năm; hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư nâng cấp, đến năm 2015 có 67/67 xã có đường ô tô đến trung tâm; 95,53% hộ dân được sử dụng điện; 86,53% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trong giai đoạn 2011-2015 giải quyết việc làm mới cho trên 3.600 lao động; giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28,77%, trung bình giảm 6,5%/năm.
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, đến cuối năm 2015, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 99,5%; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều cải thiện, có 25/67 xã thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế; các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Thảo luận về Nghị quyết này, các đại biểu cho rằng, những năm qua, tuy đạt nhiều kết quả nhưng kinh tế miền núi phát triển chưa mạnh, chưa có yếu tố mang tính đột phá; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển chưa bền vững; kinh tế rừng chưa được phát huy đúng mức. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; việc quản lý đất đai, giao đất, giao rừng, phân định đất lâm nghiệp còn hạn chế.
Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, trong những năm qua, việc đầu kết cấu hạ tầng ở vùng miền núi chưa đồng bộ, hiệu suất đầu tư và hiệu quả sử dụng nhiều công trình, dự án thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học chưa đáp ứng yêu cầu,, chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp. Các thiết chế văn hóa còn thiếu thốn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, giảm nghèo chưa thật sự bền vững.
|
Quang cảnh hội nghị |
Các đại biểu cũng phát biểu thảo luận đề nghị cần rà soát nắm chắc lại vấn đề quản lý và sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp ở các huyện miền núi; ưu tiên đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhân dân miền núi; đầu tư nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển. Chương trình giáo dục cần được điều chỉnh phù hợp với miền núi để học sinh hiểu và có thể nâng cao được kiến thức trong thực tế.
Liên quan đến vần đề giáo dục miền núi, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà- Hoàng Anh Ngọc đề xuất: Cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho con em địa phương để các em có điều kiện được đến trường và cơ chế chính sách cho giáo viên phù hợp để họ yên tâm giảng dạy ở miền núi... Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng các trường nội trú, bán trú ở các cấp học.
Về lĩnh vực y tế ở miền núi, Bí thư Huyện ủy Sơn Hà- Đặng Ngọc Dũng đề nghị, cần nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho người dân khám chữa bệnh tại chỗ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, cần có những giải pháp nhằm chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở y tế, góp phần thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng như nâng cao nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cũng đã tiếp thu các ý kiến của đại biểu và nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2016- 2020.
Theo đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi, cùng với các tác động như đổi mới cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất... cần đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng công tác thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại nâng cao tính tự chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển kinh tế- xã hội. Tiếp tục khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, nguồn lực để phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Bên cạnh đó, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM ở những nơi có điều kiện. Kêu gọi đầu tư một số cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2020, 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã và 50% tuyến đường thôn, xóm được bê tông hóa, nhựa hóa. Có kế hoạch di dân, tái định cư ổn định cuộc sống cho các hộ dân ở những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở cao; chú trọng giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tái định canh, bảo đảm an sinh xã hội cho các hộ dân phải di dời nhà cửa, nhường đất để triển khai các dự án...
Cũng trong chiều nay, các biểu tham dự hội nghị đã nghe và tập trung thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020.
Ngày mai (13.4), hội nghị Tỉnh ủy mở rộng lần thứ 3 sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ 2 và bế mạc, các nội dung chi tiết, Báo Quảng Ngãi sẽ phản ánh trong các bản tin sau.
M.Toàn- N.Đức (ghi)