(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, trong buổi làm việc với Công ty CF.Neilsen A/S (Đan Mạch) và một số đối tác của doanh nghiệp này để trao đổi về cơ hội hợp tác, đầu tư các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã nói rõ, Quảng Ngãi không thu hút thêm dự án chế biến dăm gỗ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thay vào đó, tỉnh chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu nguyên liệu gỗ, để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện nâng thu nhập cho người trồng rừng, nhằm phát triển rừng bền vững. Khuyến khích chế biến sâu, nên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực này bằng việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Thực tế hiện nay, toàn tỉnh có đến 21 nhà máy chế biến dăm gỗ, trong đó KKT Dung Quất chiếm hơn 50%. Tổng công suất chế biến của các nhà máy này là 1,5 triệu tấn gỗ tươi/năm. Tuy nhiên, do các nhà máy hình thành ồ ạt dẫn đến tình trạng nguồn cung nguyên liệu gỗ dăm hiện chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Và 5 năm tới, dự báo nguồn cung vẫn thiếu hụt. Vì thế, cùng với việc từ chối các dự án chế biến dăm gỗ mới, Quảng Ngãi cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ cần chủ động chuyển hướng, đầu tư chế biến sâu để vừa nâng giá trị gia tăng, vừa tránh việc cạnh tranh không lành mạnh về nguồn nguyên liệu.
Nhưng đó cũng chỉ là một trong những lý do để Quảng Ngãi “từ chối dăm gỗ”. Bởi hiện nay, tỉnh đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu lại tỷ lệ các loại cây trồng một cách hợp lý để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng.
Bên cạnh đó, khâu chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng sẽ được tập trung. Theo đó, tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công nghiệp chế biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có khả năng cạnh tranh cao; qua đó, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trong lĩnh vực này, tỉnh cũng sẽ điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản ngoài gỗ, sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong tỉnh, phát triển hài hòa giữa gỗ xây dựng, gỗ mộc dân dụng và gỗ dăm, hạn chế tối đa xuất khẩu các sản phẩm thô, đặc biệt là dăm thô.
Và điều quan trọng hơn, việc mạnh dạn từ chối lĩnh vực đầu tư Quảng Ngãi đang thừa, để hướng đến lĩnh vực mà Quảng Ngãi đang thiếu, nhằm lựa chọn thu hút cho thấy, sự thay đổi lớn trong thu hút đầu tư của tỉnh nói chung và thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng.
Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã đẩy mạnh kêu gọi, “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư. Thành công nhiều, nhưng thất bại cũng không ít (nhiều dự án treo, chậm tiến độ kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh hay đây đó có một số dự án gây ô nhiễm môi trường-PV). Hơn nữa, giờ đây khi cơ cấu các ngành, lĩnh vực đang hình thành ngày càng rõ nét hơn thì Quảng Ngãi đang hướng đến những lĩnh vực mà tỉnh đang cần. Bởi đích đến cuối cùng là phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
HOÀNG TRIỀU