(Baoquangngai.vn)- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Oai- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ vào sáng 23.9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tiếp và làm việc với Đoàn.
TIN LIÊN QUAN
Qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, đến nay, Quảng Ngãi có 79 chiếc tàu được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có 39 chiếc được phê duyệt mới, có 15 tàu chưa triển khai, 25 tàu không tham gia, 16 tàu được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng.
Trong đó có 3 tàu vỏ gỗ đã hoàn thành và đi vào khai thác, 2 tàu đã hạ thủy và 11 tàu đang thi công. Số tiền cam kết cho vay gần 99 tỷ đồng, 12/16 tàu đã giải ngân với số tiền hơn 40,5 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã triển khai cho vay vốn lưu động được gần 9,5 tỷ đồng.
Thực hiện Thông tư 24 của Bộ NN&PTNT về kiểm tra, đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá, UBND tỉnh đã công bố 3 đợt, có 10 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ từ 400CV trở lên được công nhận đủ điều kiện. Hiện nay, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản chỉ ký hợp đồng giám sát đóng mới và cải hoán tàu cá với các chủ cơ sở đã được công nhận.
Hiện Quảng Ngãi có 16 tàu được các ngân hàng ký hợp đồng tín dụng. |
Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi đã triển khai bán bảo hiểm tàu cá được 34,6 tỷ đồng, trong đó, bảo hiểm thân tàu trên 30,7 tỷ đồng, bảo hiểm thuyền viên gần 4 tỷ đồng với 12.972 thuyền viên. UBND tỉnh đã ban hành quyết định chi trả cho công ty 6 đợt, với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng, đang làm thủ tục thẩm định và chi trả cho các đợt tiếp theo.
Việc triển khai thực hiện cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 ở Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn do điều kiện cho vay vốn của các ngân hàng không thống nhất với Nghị định, nên gây bức xúc cho các chủ tàu. Các ngân hàng dè dặt về khả năng tài chính, tài sản thế chấp của chủ tàu nên không mạnh dạn cho vay, nhiều chủ tàu đã xin rút hồ sơ không tham gia chương trình.
Về triển khai chính sách đầu tư hạ tầng thủy sản theo Nghị định 67, Quảng Ngãi có 13 dự án, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp là: Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) và Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ. Tuy nhiên, nguồn vốn bố trí còn quá ít nên chưa đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, thời gian thi công kéo dài quá lâu, gây bức xúc trong nhân dân.
Đối với 11 dự án mới, chỉ có dự án: Hạ tầng nuôi trồng thủy sản xã Nghĩa Hòa được Bộ NN&PTNT bố trí vốn 200 triệu đồng để lập dự án, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Oai khẳng định sẽ sửa đổi một số quy định trong Nghị định 67. |
UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Nghị định 67 để phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm đơn giản hóa thủ tục; chỉ đạo các ngân hàng tích cực hỗ trợ các chủ tàu làm thủ tục vay vốn. Hướng dẫn và xử lý kịp thời việc hoàn thuế GTGT, nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ tàu.
Kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ sau đầu tư để giảm áp lực của các các quan Nhà nước, các ngân hàng thương mại, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của Nghị định và xem xét cho Quảng Ngãi thí điểm theo phương thức hỗ trợ một lần sau đầu tư như chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 40 ngày 1.6.2015 với chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh: Thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Tổng cục sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi trong thời gian gần nhất để phù hợp hơn với thực tiễn. Thời gian trả nợ của ngư dân sẽ được tăng lên 16 năm đối với tàu vỏ thép thay vì 11 năm.
Ông Oai cũng đề nghị Quảng Ngãi cần thực hiện đồng bộ 5 nhóm chính sách, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân có nhu cầu tích cực tham gia vay vốn, đồng thời yêu cầu các ngân hàng tạo điều kiện hơn nữa để ngư dân được tiếp cận nguồn vốn này.
Tin, ảnh: Ái Kiều