(Báo Quảng Ngãi)- Trong xu thế mở cửa hội nhập sâu rộng, nguồn vốn đầu tư công ngày càng bị thu hẹp thì vấn đề xã hội hóa không còn là khái niệm xa lạ trong các lĩnh vực thu hút đầu tư ở nước ta. Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia hoặc trực tiếp đầu tư 100% vốn vào nhiều lĩnh vực, với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cùng với giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế ở nước ta cũng đã thực hiện mạnh mẽ từ nhiều năm qua, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư. Bởi lẽ, Đảng và Nhà nước ta xác định, một đất nước phát triển chỉ khi biết vận dụng và kết hợp có hiệu quả giữa nguồn vốn đầu tư công với nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, thì nhu cầu được lựa chọn, tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao để khám, điều trị bệnh của người dân là chính đáng và cấp thiết. Với hướng đi đó, hàng loạt bệnh viện, dịch vụ y tế tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ra đời không chỉ ở các thành phố lớn mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh lẻ, mang đến cho người dân niềm vui không nhỏ.
Ở tỉnh ta, câu chuyện xã hội hóa y tế đến bây giờ nó vừa cũ, vừa mới. Cũ là vì chủ trương này đã được đặt lên bàn nghị sự, trong rất nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh từ nhiều năm qua. Còn mới là vì chủ trương đó chưa thành hiện thực, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo ngành y tế, các sở ban ngành liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện. Gần đây, HĐND tỉnh đã ban hành hẳn Nghị quyết về việc thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao…
Được biết, sau nhiều năm xúc tiến, giữa năm 2010, Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Chợ Rẫy- Quảng Ngãi được khởi công xây dựng trên nền đất Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) với diện tích gần 5 ha, quy mô 500 giường bệnh, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, đầu tư theo cơ chế xã hội hóa. Sau khi triển khai gần một năm thì dự án phải tạm dừng, để lại sự nuối tiếc cho người dân, vì từ nhiều năm qua, tình trạng quá tải cũng như dịch vụ khám, chữa bệnh kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vẫn chưa được khắc phục và triển khai có hiệu quả. Mới đây, người dân trong tỉnh lại hé lên hy vọng khi tỉnh xúc tiến triển khai dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Capella, dự kiến sẽ được xây dựng tại trung tâm TP.Quảng Ngãi, có dịch vụ y tế chất lượng cao, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa khởi động. Còn Bệnh viện Đa khoa Nhân Tâm cũng là một bãi đất trống.
Thực trạng trên cho thấy, tỉnh ta chưa thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế. Dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì qua sự việc này cho thấy môi trường thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế ở tỉnh ta vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nếu chúng ta không có biện pháp tháo gỡ, chấn chỉnh, chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến việc thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác.
Phú Đức