(Baoquangngai.vn)- Sáng 15.4, đồng chí Hà Thị Khiết- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về kết quả thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Trần Ngọc Căng- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Viết Chữ- Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Minh- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thị Quỳnh Vân- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy…
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sau khi có Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27 về thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp trong tỉnh và chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện. Sau 17 năm thực hiện Chỉ thị 30 đã tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đồng chí Hà Thị Khiết phát biểu tại buổi làm việc. |
Việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động Mặt trận, đoàn thể nhân dân.
Bước đầu, quyền giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với những việc làm của chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định đã được phát huy. Chính quyền cơ sở thực hiện tốt các nội dung theo quy định của pháp luật về dân chủ và công khai, minh bạch trong điều hành, quản lý, góp phần ngăn chặn tệ tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền của một số cán bộ đối với nhân dân.
Hầu hết các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, công khai tài chính hàng năm theo quy định, gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; xây dựng, ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý công việc và niêm yết công khai để tổ chức và công dân biết. Công tác bổ nhiệm, đánh giá, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ được tiến hành dân chủ, công khai, đúng quy trình.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các doanh nghiệp cũng được phần lớn người sử dụng lao động và người lao động đồng tình, ủng hộ, Đa số doanh nghiệp đã công khai về phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị; chế độ, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp có liên quan đến người lao động được công khai đầy đủ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở vẫn còn những hạn chế, đó là nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức cũng như lãnh đạo một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở còn hạn chế. Một số cán bộ, đảng viên còn ngại đối thoại với nhân dân, chưa công khai hóa hoạt động của cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số xã, phường, thị trấn chưa được đồng bộ, sâu rộng và thường xuyên…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Hà Thị Khiết- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đánh giá cao kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở tại Quảng Ngãi. Đồng chí cho rằng, Quảng Ngãi cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của dân, bảo đảm yêu cầu "dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra".
Trước mắt, đề nghị Quảng Ngãi thực hiện tốt Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng các cấp lần này; triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên nhiều lĩnh vực: Dân chủ trong chuẩn bị đại hội, dân chủ trong công tác nhân sự, bảo đảm chất lượng của đại hội các cấp.
Tin, ảnh: M.Toàn