Kính thưa đồng chí Nam Vi Nhạ Kệt, Ủy viên Trung ương đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Atapeu;
Kính thưa quý vị đại biểu, đồng chí và toàn thể đồng bào.
Trong không khí hân hoan của đồng bào và chiến sĩ cả nước chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi; Chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; hôm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Ngãi 24-3-1975 - 24-3-2015; đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ngãi Anh hùng, góp phần xứng đáng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử.
Thay mặt Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; tôi xin nhiệt liệt chào mừng và kính chúc đồng chí Phạm Quang Nghị – Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội; quý vị khách quý đại diện cho các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lão thành Cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các tướng lĩnh, sỹ quan, bạn bè khắp mọi miền đất nước đã công tác, chiến đấu trên chiến trường Quảng Ngãi; cùng toàn thể đồng bào, đồng chí dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt.
Kính thưa quý vị đại biểu, đồng chí và đồng bào!
Phát huy truyền thống Cách mạng kiên cường của các cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, của chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường, Đình Cương vang dội; cách đây tròn 40 năm, vào những ngày tháng Ba lịch sử năm 1975; dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Khu ủy Khu V và Tỉnh ủy Quảng Ngãi, quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt nổi dậy. Từ Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, đến Sơn Tịnh, Bình Sơn; từ miền núi đến đồng bằng, vùng ven biển và hải đảo; lực lượng vũ trang của tỉnh phối hợp đồng bộ với các đơn vị chủ lực của Quân khu V tổ chức tấn công, cắt đứt các trục đường giao thông, từng bước cô lập, tiêu hao sinh lực địch, chuẩn bị sẵn sàng cho trận tổng tiến công giải phóng thị xã Quảng Ngãi.
Đêm 15, rạng sáng ngày 16/3/1975; Quân giải phóng chính thức nổ súng, đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng điểm của địch. Tại vùng Đông Bình Sơn - Sơn Tịnh, ngay trong đêm, lực lượng vũ trang của huyện và du kích đã tiến công, tiêu diệt địch ở ấp Phú Nhuận - Tịnh Phong; phát động quần chúng nổi dậy, giành chính quyền. Các đội công tác và du kích áp sát, tạo thế trận uy hiếp, bao vây phía Đông Bắc thị xã Quảng Ngãi và phía Đông Chi khu quận lỵ Sơn Tịnh.
Ở phía Tây Sơn Tịnh, đêm 15/3/1975; lực lượng vũ trang tổ chức tấn công, tiêu diệt chốt Đông Dương, Núi Đất; phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Thừa thắng xông lên, quân ta tiến về giải phóng một số vùng ven Quốc lộ 1; địch ở Hòn Dầu, núi Tròn tháo chạy. Vùng Tây Sơn Tịnh được giải phóng hoàn toàn, phía Tây Bắc thị xã Quảng Ngãi và quận lỵ Sơn Tịnh quân ta uy hiếp. Trước sự bao vây, tiến công mạnh mẽ từ nhiều hướng của quân giải phóng, đêm 16 rạng ngày 17/3, địch ở Sơn Hà tháo chạy. Ngày 18/3, địch ở Trà Bồng chạy về đồng bằng.
Sau ba ngày đêm, ta đã tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch, giải phóng phía Tây và Đông huyện Bình Sơn, chia cắt đoạn Quốc lộ 1 từ Châu Ổ đi Dốc Sỏi, tạo thế bao vây, uy hiếp quận lị Bình Sơn.
Trước thế tiến công dồn dập, quyết liệt của quân và dân ta trên các chiến trường ở miền Nam; tinh thần địch hoảng loạn cực độ, tháo chạy ra khỏi Tây Nguyên, Quảng Trị và nhiều nơi khác. Tình hình chung toàn miền Nam đã tạo điều kiện tốt cho quân và dân Quảng Ngãi tổng công kích và tiến lên giành chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng hoàn toàn quê hương.
Ngày 23/3/1975, Tỉnh ủy ra Chỉ thị: “Đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh, đánh đổ toàn bộ địch, giải phóng vùng nông thôn, giải phóng thị trấn, thị xã; giành chính quyền về tay nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng toàn tỉnh”. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm cao trong khí thế tiến công và nổi dậy. Đêm 23/3/1975, khi phát hiện địch ở thị xã Quảng Ngãi bắt đầu tháo chạy; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Lời kêu gọi và ban hành lệnh công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân.
Đúng 7 giờ 40 phút ngày 24/3/1975, quân ta bắt đầu bắn pháo vào tiểu khu, ga Ông Bố, Xóm Xiếc, chi khu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành; chiếm lĩnh, chia cắt các chốt, điểm và đoạn Quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Ngãi đi Chu Lai. Trước sức tấn công dồn dập như vũ bão của quân giải phóng, địch phải bỏ các cứ điểm rút chạy về thị xã Quảng Ngãi. Kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang, quần chúng Nhân dân các nơi trong tỉnh nổi dậy không chế các khu dồn; đến chiều 24/3/1975, tiểu đoàn 406 và lực lượng vũ trang huyện Tư Nghĩa đánh chiếm quận lỵ Tư Nghĩa. Địch ở thị xã, quận lỵ Sơn Tịnh hoang mang, rối loạn tháo chạy ra biển, nhưng bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đường ra cửa Cổ Luỹ, buộc chúng phải quay về thị xã tiếp tục tìm đường thoát thân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy chiến trường ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của ta bên ngoài tiến vào thị xã ngay trong đêm 24/3/1975, phối hợp hành động với Nhân dân bên trong nổi dậy tiến hành giải phóng nhà lao, chiếm lĩnh các cơ quan của nguỵ quyền, kho tàng, các công sở của địch, kêu gọi binh lính địch ra hàng, nộp vũ khí, giữ gìn an ninh trật tự. Như vậy, chỉ sau hơn 12 tiếng đồng hồ, với những trận đánh như vũ bão, quân và dân Quảng Ngãi đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ hệ thống chính quyền và ngụy quân của địch trong tỉnh; giành chính quyền về tay Nhân dân. Cờ giải phóng và cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trước Tòa hành chính tỉnh. Khắp các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, ven biển, từ phía Nam ra phía Bắc, các tầng lớp Nhân dân nô nức đón chào niềm vui của ngày chiến thắng. Tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng.
Năm tháng sẽ qua đi, cuộc sống luôn vận động tiến về phía trước, sự kiện toàn tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng mãi mãi là một trong những trang sử chói lọi nhất của Quê hương Núi Ấn – Sông Trà anh hùng. Chiến thắng ngày 24 tháng 3 năm 1975 là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, tinh thần bất khuất; là bản anh hùng ca tuyệt vời về sự hy sinh cao cả, ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân tỉnh ta; là kết quả của đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng; tinh thần chủ động, sáng tạo, dám quyết và kiên quyết hành động khi thời cơ chín muồi của mỗi đảng viên, tổ chức đảng và của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh; đó là tinh thần tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết chiến, quyết thắng của các lực lượng vũ trang Nhân dân; của sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, hành động gan dạ, thông minh của quần chúng Nhân dân khắp mọi miền trong tỉnh; góp phần to lớn cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc kết thúc thắng lợi. Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu “đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà” được thực hiện trọn vẹn, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong giờ phút trang nghiêm này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta bồi hồi xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; Người là hiện thân của ý chí bất khuất, tư tưởng kiên định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ý chí, tư tưởng của Người sống mãi cùng non sông đất nước, sống mãi trong tâm trí của mỗi chúng ta.
Tự hào về chiến thắng của 40 năm trước, chúng ta mãi mãi nhớ ơn, ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Khu ủy Khu V; tấm lòng cao cả, sắc son và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc, sự đồng cam cộng khổ của đồng bào, đồng chí; tinh thần phối hợp chặt chẽ của bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực; của phong trào Cách mạng toàn miền Nam và của cả nước.
Chúng ta xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những nhà yêu nước tiền bối; các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta trân trọng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến những người mẹ, người cha, người anh, người chị; đến Nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước đã sinh thành, nuôi dưỡng và đưa những người thân yêu, ruột thịt của mình đến chiến đấu, công tác và hy sinh trên mảnh đất này; chúng ta thành tâm chia sẻ những khó khăn, mất mát; những bất hạnh, đau thương của đồng chí, đồng bào đến nay vẫn còn mang thương tật, di chứng do hậu quả chiến tranh để lại; chúng ta vô cùng đau lòng khi chiến tranh đi qua đã 40 năm mà đến nay, hài cốt của nhiều đồng chí, chiến sĩ ta ngã xuống vẫn chưa tìm được; chúng ta phải tiếp tục làm hết sức mình để cùng với các gia đình tìm kiếm, cất bốc đưa các anh, các chị về yên nghĩ nơi quê nhà.
Nhân ngày lễ trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, tôi xin gửi lời thăm hỏi ân cần, lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các gia đình liệt sĩ, các đồng chí lão thành Cách mạng, các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội; những người đã từng công tác, chiến đấu trên mảnh đất yêu quý này; các đồng chí cán bộ hưu trí; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang; các Anh, Chị thương binh, bệnh binh; gia đình có công với Cách mạng và tất cả cán bộ, chiến sỹ, Nhân đân về những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng tỉnh Quảng Ngãi.
Kính thưa quý vị khách quý và toàn thể đồng bào!
Trong niềm vui của ngày thống nhất, cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ý thức được những khó khăn, thiếu thốn của một vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương Đội hùng binh Hoàng Sa kim Bắc Hải Trường Sa năm xưa; thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi đoàn kết, sáng tạo; chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; giành được nhiều thành tựu to lớn. Nhìn lại 40 năm sau ngày giải phóng, nhất là gần 26 năm sau ngày tái lập tỉnh, quảng thời gian không dài so với chiều dài của lịch sử dân tộc; Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi rất tự hào về thành quả đã đạt được. Khởi đầu với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quá khó khăn và lạc hậu, hậu quả của chiến tranh rất nặng nề, Quảng Ngãi xác định mục tiêu trong giai đoạn đầu là phát triển nông nghiệp, bảo đảm lương thực, giải quyết vấn đề dân có cơm ăn, áo mặc; được học hành, được chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Từ ý nghĩa đó, đại thủy nông Thạch Nham; công trình mang dấu ấn lịch sử, khắc sâu vào tâm khảm, được kết tinh từ sức lao động sáng tạo, mồ hôi, nước mắt của Nhân dân Quảng Ngãi trong rất nhiều năm được đầu tư xây dựng hoàn thành; mang nguồn nước tưới ổn định cho hơn 50.000 ha đất canh tác, đưa hàng vạn hecta từ một vụ bấp bênh, năng suất rất thấp sang hai vụ lúa ăn chắc; làm xanh thêm nhiều cánh đồng, làng quê; mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho nông dân tỉnh nhà, góp phần quan trọng làm tăng năng suất lúa, tăng sản lượng lương thực; giải quyết cơ bản nhu cầu lương thực cho Nhân dân; bữa cơm trong mỗi gia đình có nhiều cơm hơn củ so với những năm sau ngày giải phóng.
Tuy nhiên, đổi mới, phát triển nông nghiệp bước đầu cũng chỉ giải quyết vấn đề đói cho người dân; sự nghèo khó của đại bộ phận Nhân dân vẫn còn rất nặng nề, đây là một cuộc chiến mới mà Đảng bộ và Nhân dân phải chiến thắng. Để đưa tỉnh nhà phát triển vững chắc theo con đường mà Bác Hồ và Đảng đã chọn; làm cho người dân Quảng Ngãi không chỉ ăn no - mặc ấm, mà phải ăn ngon - mặc đẹp; Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tiễn chứng minh đây là bước đi hoàn toàn đúng đắn, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo; tầm nhìn chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và quyết tâm thực hiện mạnh mẽ của Đảng bộ, quân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Khởi điểm ban đầu chỉ là các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp truyền thống, mang tính chất thủ công, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp; tỉnh từng bước vươn lên phát triển công nghiệp; đặc biệt, việc hình thành Khu kinh tế Dung Quất, với trái tim là Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạo bước phát triển đột phá ngoạn mục về phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp Quảng Ngãi trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng; đến cuối năm 2014, công nghiệp – xây dựng chiếm 61,5%; dịch vụ chiếm 22,8%, nông nghiệp còn 15,7% tổng sản phẩm trong tỉnh; nếu so với thời điểm tái lập tỉnh (năm 1989), quy mô GDP tăng gần 11 lần, GDP bình quân đầu người tăng 121 lần, thu ngân sách tăng hơn 1.370 lần, xuất khẩu tăng 667 lần; giai đoạn 2009- 2014, khi nhà máy lọc dầu đi vào hoạt động, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 13,8% năm; đây cũng là giai đoạn thu ngân sách của tỉnh tăng đột biến; nếu trong những năm 1990 nguồn thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt từ 22 đến 30 tỷ đồng, thì đến năm 2014 thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 28.000 tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước; GDP bình quân đầu người năm 2000 mới đạt 2,7 triệu đồng; năm 2010 tăng lên trên 24 triệu đồng và đến năm 2014 là 47,18 triệu đồng; cao hơn mức bình quân cả nước.
Hạ tầng giao thông phát triển nhanh, nhiều tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương buôn bán. Mạng lưới điện quốc gia được phủ khắp toàn tỉnh, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi Nhân dân đều có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Quảng Ngãi ngày hôm nay được biết đến là nơi có môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch; cạnh tranh bình đẳng theo quy luật kinh tế thị trường, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 đứng 7/63 tỉnh, thành cả nước; nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc. Cùng với NMLD Dung Quất, Nhà máy Polypropilen, Nhà máy nhiên liệu sinh học; công nghiệp mía đường và các sản phẩm sau đường, nước khoáng, sữa, tinh bột mỳ; Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina); dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; nhà máy bia Sài Gòn, nhà máy bột giấy VNT 19 và hàng chục dự án khác đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng;
Cùng với phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo được đổi mới căn bản ở các cấp học, bậc học; chất lượng giáo dục được nâng lên; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Cơ sở vật chất, kỹ thuật; đội ngũ y, bác sỹ; cán bộ y tế các cấp được tăng cường đáng kể; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; giải quyết việc làm đạt kết quả khá; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng; công tác giảm nghèo đã được chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa được đẩy mạnh; hơn 180.000 đối tượng chính sách, gia đình có công Cách mạng được chăm lo ngày càng tốt hơn; Chương trình xây dựng nông thôn mới bước đầu phát huy hiệu quả, diện mạo nông thôn nhiều nơi được đổi thay; quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm giữa Quảng Ngãi với các tỉnh, thành trong cả nước và một số nước trong khu vực được mở rộng, đạt kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt nhiều kết quả, tạo sức lan toả trong cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trong tỉnh, khơi dậy sức sáng tạo, phong trào thi đua yêu nước trong toàn dân. Công tác tập hợp, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng hiệu quả, thiết thực; tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc, tôn giáo ngày càng được tăng cường. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Kính thưa đồng bào! Thưa các vị khách quý!
Hôm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quê hương Quảng Ngãi; đây là dịp để mỗi chúng ta hồi tưởng, tri ân các bậc tiền bối và khơi dậy niềm tự hào với truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quê hương; đồng thời, tiếp tục cũng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới đất nước; khẳng định mục tiêu, lý tưởng Cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi nỗ lực phấn đấu cao nhất để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người; 40 Năm là một chặng đường phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đánh dấu thành tựu đổi mới của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ngãi nhiều thời cơ, vận hội mới để tăng tốc phát triển, với nhiều dự án mang tầm quan trọng Quốc gia được triển khai trên địa bàn; đặc biệt là dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn; dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất của tập đoàn Sembcorp- Singapore; Khu liên hợp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đang dần hình thành và phát huy hiệu quả; hạ tầng giao thông, đô thị được quan tâm đầu tư, huyện đảo Lý Sơn đã có điện quốc gia và được Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển; nhiều Tập đoàn, công ty lớn đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ngãi; Tuy nhiên, tỉnh ta cũng còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp và chưa vững chắc; giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng; hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; giáo dục đào tạo, trình độ dân trí, kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế thị trường của nhân dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo còn nhiều hạn chế; Quảng Ngãi còn 6/64 huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước; nhất là khu vực miền Núi; mức chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng ngày càng gia tăng; còn nhiều con em chúng ta được đào tạo nhưng chưa có việc làm; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; nhất là đồng bào các dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tình hình này đặt ra cho tỉnh phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; khơi dậy, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá và 2 nhiệm vụ trọng tâm mà Ðại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII đã đề ra; tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; không ngừng chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục – đào tạo; khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; mở rộng hoạt động đối ngoại; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; xây dựng Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Năm 2015 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nhân buổi lễ trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Quảng Ngãi, tôi kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền; đồng bào, chiến sỹ và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương Quảng Ngãi Anh hùng; của tinh thần Đại thắng mùa xuân năm 1975; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; làm tốt hơn, thực chất hơn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách của Bác Hồ; đoàn kết, chung sức, đồng lòng; khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong mỗi người dân; phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức; chung tay góp phần vì sự phát triển thịnh vượng của tỉnh nhà, vì tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau; tập trung tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tiến đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; tạo được chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhân buổi Lễ kỷ niệm trọng thể này; thay mặt Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung ương Đảng, Chính phủ; các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trong cả nước; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào Quảng Ngãi đang sinh sống và làm việc ở các địa phương trong nước và nước ngoài; đã có sự giúp đỡ đầy nghĩa tình về vật chất và tinh thần; nhất là khi Nhân dân Quảng Ngãi gặp thiên tai, hoạn nạn; động viên, ủng hộ, giúp đỡ kịp thời cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương núi Ấn - Sông Trà có được như ngày hôm nay.
Trong niềm phấn khởi, tự hào của ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Ngãi; Đảng bộ và Nhân dân Quảng Ngãi bày tỏ quyết tâm; nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo; phấn đấu xây dựng Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Xin trân trọng cảm ơn./.