Cần minh bạch trong tuyển dụng lao động

09:02, 12/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thị trường lao động là một thị trường mang tính đặc thù, vì đối tượng để “mua và bán” chính là người lao động. Năm 2015, dự báo sẽ là năm tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, vẫn có nhiều việc làm nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao từ người lao động và điệp khúc “thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa” lại tiếp diễn.

Cơ sự của tình trạng “vừa thiếu vừa thừa” này một phần là do các cơ sở đào tạo sinh viên và người học nghề vẫn cho ra nhiều sản phẩm không đạt chất lượng, trong khi thị trường lao động rất thiếu những lao động có chất xám, có kỹ năng và tay nghề cao.

Thêm một thách thức nữa, là thị trường lao động trong khối ASEAN sẽ chính thức mở cửa tự do vào cuối 2015 và người lao động trong khối này hoàn toàn có cơ hội làm việc tại bất cứ quốc gia nào trong khối, nếu hội đủ điều kiện để được tuyển dụng. Như thế, sẽ có một làn sóng người lao động từ một số nước trong khối ASEAN đổ vào Việt Nam tìm kiếm việc làm. Nếu họ đáp ứng các điều kiện của nhà tuyển dụng, họ sẽ “lấy chỗ” của các lao động người Việt ngay trên “sân nhà” Việt Nam. Đó thực sự là một thách thức cho lao động Việt Nam, đồng thời cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tuyển chọn được người tài, người lao động đáp ứng yêu cầu công việc, dù họ đến từ Philippines hay từ Thái Lan...

Nhưng, nói đi thì phải nói lại. Dù luôn kêu thiếu người đáp ứng yêu cầu công việc, nhưng khá nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, lại hết sức “kén” khi tuyển dụng người lao động. Nhiều khi, vì tham tiền, những “nhà tuyển dụng” đã loại bỏ cơ hội của những người lao động có năng lực, và khiến doanh nghiệp mình chịu thiệt hại do không tuyển được người đúng yêu cầu. Muốn thị trường lao động hoạt động một cách bình thường, cạnh tranh lành mạnh, thì rất cần sự minh bạch trong tuyển dụng.

Sự minh bạch ấy không chỉ mang lại cơ hội làm việc cho người lao động có năng lực (nhưng không có tiền “lót tay”) mà còn mang lại lợi ích rõ ràng cho chính doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Có một thực tế, là dù tổ chức nhiều cuộc thi, cuộc sát hạch “hoành tráng”, nhưng nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước vẫn bình thản nhận vào những người lao động thiếu khả năng, thậm chí không làm được việc. Những người ấy thành “gánh nặng” cho những người làm được việc trong các cơ quan hay doanh nghiệp ấy. Đây là một thực tế rất đáng buồn.      

 Thanh Thảo
 


.