(Báo Quảng Ngãi)- …”Đồng tiền tháng Chạp”. Đây là tháng mà người nông dân kiếm tiền khó khăn nhất, nhưng lại phải chi ra nhiều nhất. Vì sắp tới Tết. Trong khi chỉ còn chưa đầy 30 ngày là Tết đến, nhưng nông dân vẫn chưa sạ được mạ ở những chân ruộng trũng, trong khi Đài khí tượng dự báo (chắc chắn) năm nay sẽ hạn nặng. Ở những vùng như Quảng Ngãi, mức nước dự trữ sẽ thấp hơn năm ngoái 30%. Chưa thể khắc phục được ngập úng, thì khô hạn chuẩn bị sầm sầm kéo tới. Tiền đổ vào mua lúa giống, thì bây giờ đã quá hạn gieo sạ 10 ngày, lúa giống đã ủ quá lứa có nguy cơ phải bỏ. Đồng tiền cuối năm trở nên thắt ngặt hơn bao giờ.
Các cơ quan chức năng nông nghiệp từ huyện tới tỉnh chắc là biết tình cảnh này của bà con nông dân trong tỉnh. Nhưng làm gì để có thể giúp một cách cụ thể và hiệu quả cho nông dân khắc phục tình trạng ruộng trũng, nước ngập đó rồi sẽ khô hạn đó, để nông dân gieo sạ tương đối đúng thời vụ, hay chủ động đối phó với thời tiết khô hạn năm nay, thì xem ra, vẫn là những chỉ đạo chung chung nhiều hơn những biện pháp cụ thể. Với người trồng lúa, thì năm nào cũng bấy nhiêu việc, lặp đi lặp lại. Nhưng thời tiết mỗi năm mỗi khác, không lẽ cứ bắt nông dân phải ngửa mặt “Trông trời trông đất trông mây…” như hồi xưa.
Với những chân ruộng trũng, năm nào cũng ngập nước, thì phải có giải pháp thuộc về kế hoạch hằng năm, chỉ điều chỉnh trên thực tế. Còn với thời tiết năm lụt năm hạn, lại phải có giải pháp để ứng phó tùy năm. Bây giờ, việc dự báo thời tiết của ngành khí tượng đã tốt hơn rất nhiều, chính xác hơn rất nhiều. Những bản tin dự báo thời tiết nông vụ phát hằng ngày trên VTV cũng thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết khắp cả nước, kèm theo là những tư vấn cụ thể cho nhà nông. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Vẫn rất cần sự “vào cuộc tích cực” của các cơ quan chức năng nông nghiệp trong từng địa phương. Bởi từng địa phương lại có những đặc điểm riêng về khí hậu, về thời tiết, về thực trạng của các chân ruộng.
Và khi đã thuộc về địa phương, thì không còn là những “tư vấn” chung chung, mà phải là những giải pháp thực tế, cụ thể. Dĩ nhiên, người nông dân trồng lúa cũng tự biết lo cho chân ruộng của mình, nhưng riêng mình họ lo thì chưa đủ. Vì thế mới sinh ra các cơ quan chức năng nông nghiệp.
“Hột gạo tháng Giêng, đồng tiền tháng Chạp”, từ ngày xưa, người nông dân đã biết tự lo cho mình, biết cả những thời điểm khó khăn nhất trong năm đối với mình. Nhưng bây giờ phải khác hồi xưa. Đừng để nông dân trồng lúa phải ngửa tay nhận tiền hay gạo cứu trợ vào dịp trước Tết. Họ không thích gì chuyện đó đâu!
Thanh Thảo