(Baoquangngai.vn)- Đó là phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ tại buổi làm việc với UBND huyện Sơn Tây về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015; kết hợp kiểm tra việc nuôi cá tầm và trồng thì điểm cây mắc- ca trên địa bàn huyện vào sáng ngày 8.1.
TIN LIÊN QUAN
Mô hình triển vọng
Trong chuyến kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra mô hình nuôi cá tầm được huyện Sơn Tây triển khai tại xã Sơn Bua.
Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ tại buổi kiểm tra, ông Trần Quý-Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Mô hình nuôi cá tầm ở xã Sơn Bua có diện tích 200 mét vuông, với quy mô 500 con cá giống. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Sau gần 2 tháng thả nuôi, đến nay, trọng lượng mỗi con cá tầm khoảng từ 300-400 gram.
Theo ông Quý, mô hình nuôi cá tầm khá phù hợp với địa hình, khí hậu của huyện. Với mức độ phát triển và giá cả thị trường của cá tầm như hiện nay, sau 10 tháng nuôi, cá tầm sẽ đạt trọng lượng từ 2,5 kg -3kg nên người nuôi sẽ có lãi.
Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo của lãnh đạo huyện Sơn Tây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đánh giá cao sự năng động của huyện trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng về lâu dài nên biến mô hình nuôi thí điểm hiện nay thành mô hình sản xuất trên cơ sở huyện chủ động tham khảo ý kiến của các nhà khoa học chuyên ngành, để lập quy hoạch, đề án nuôi cá tầm.
Nếu không thì huyện bàn với Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào một đề tài khoa học, dùng vốn khoa học công nghệ để nghiên cứu. Trên cơ sở đó lập quy hoạch, đề án về phát triển cá tầm trên địa bàn huyện Sơn Tây.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ (bìa trái) kiểm tra mô hình nuôi cá tầm |
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ nghe lãnh đạo Trạm khuyến nông huyện Sơn Tây giới về mô hình cây mắc- ca. |
Còn đối với mô hình thí điểm trồng cây mắc-ca. Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Sơn Tây, sau 3 tháng trồng thử nghiệm trên diện tích 6 hécta ở 3 xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Bua, đến nay, cây mắc -ca phát triển khá tốt. Chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,5 -0,8 mét. Chi phí đầu tư cho chu kỳ trồng 4 năm khoảng 215 triệu đồng/ha. Cây mắc -ca là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nếu mô hình thử nghiệm thành công, huyện sẽ nhân ra diện rộng.
Về mô hình này, sau khi đi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng huyện nên mời các chuyên gia khảo sát, nghiên cứu, xác định khu vực trồng cụ thể. Sau đó, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân thực hiện và mua lại sản phẩm cho dân.
"Cây mắc-ca thời gian sinh trưởng là 4 năm cho quả nhưng đến 8 năm mới chính thức khai thác. Tức là thời gian đầu tư dài. Nếu đợi đến khi thực nghiệm xong thì sợ người dân sẽ mất cơ hội. Từ thực tiễn mình thấy cây mắc – ca tăng trưởng tốt, mình lấy thêm ý kiến của các nhà khoa học, tư vấn nếu khẳng định được thì có thể làm mấy chục héc –ta cũng được. Quan điểm của tôi là như vậy. Nhưng ở đây là nhà đầu tư họ làm, mình hỗ trợ"- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ định hướng.
Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ và đoàn công tác, ông Lê Văn Tùng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Năm 2014, giá trị sản xuất của huyện Sơn Tây đạt hơn 126 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp –xây dựng và thương mại –dịch vụ, giảm tỷ trọng nông –lâm nghiệp. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện gần 50 tỷ đồng, đạt gần 109%.
Năm 2015, huyện Sơn Tây tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của cấp trên với phương châm phát huy lợi thế tiềm năng đất đai, tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế, giúp nhân dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn ở mức cao, chiếm 42% số hộ dân trong toàn huyện. Các chỉ số về giáo dục, y tế, thu ngân sách còn khá thấp so với mặt bằng chung của tỉnh.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Sau khi nghe kiến nghị, đề xuất của huyện và phân tích, đánh giá của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ biểu dương những nỗ lực của huyện Sơn Tây trong việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế -xã hội, giúp cho đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ yêu cầu huyện Sơn Tây cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông –lâm nghiệp, chăn nuôi. Trong đó, cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của tỉnh bằng các quy hoạch, đề án cụ thể. Trên cơ sở đó xây dựng các mô hình sản xuất thích hợp để hướng dẫn người dân thực hiện.
Đối với việc phát triển các dự án thủy điện ở huyện Sơn Tây, trên cơ sở quy hoạch, huyện cần phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá tác động môi trường và kiên quyết triển khai thực hiện đối với các dự án ít gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ít xâm phạm đến tài nguyên rừng.
Về lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ nhấn mạnh, huyện Sơn Tây cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này. Bởi đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cũng lưu ý huyện Sơn Tây đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
N.Đức