(Baoquangngai.vn)- Sáng 26.11, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi.
Đến dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Thanh Hải;
Trong 5 năm từ 2010-2014, toàn tỉnh đã có trên 31.000 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956, bao gồm 6 nhóm ngành nghề do UBND tỉnh ban hành. Sau đào tạo, đã có gần 28.000 người có việc làm, đạt 88%. Trong đó, gần 900 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; hơn 1.000 hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh trao bằng khen cho các tập thể. |
Qua học nghề đã giúp nông dân làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, được tiếp cận với ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá. Kết quả thực hiện Đề án 1956 trong 5 năm qua cho thấy Đề án triển khai ở tỉnh đã hướng vào mục tiêu: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, đó là một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ở vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn tham gia học nghề chưa tốt nên khó huy động được lao động nông thôn tham gia học nghề. Một số sở ngành, địa phương chưa tạo điều kiện giúp người dân sau học nghề có điều kiện phát triển kinh tế gia đình bằng kiến thức nghề đã học...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã hướng đến mục tiêu: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Tuy nhiên, giữa thực tế đào tạo nghề và nhu cầu giải quyết việc làm chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh lưu ý trong thời gian tới việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần chú trọng đến thực tế hơn, đặc biệt là phải có địa chỉ, nghĩa là đào tạo xong phải có việc làm. Với những địa phương mà người dân bị thu hồi đất để làm dự án thì cần có kế hoạch đào tạo cho lao động, chuyển đổi ngành nghề cho người dân phù hợp, phối hợp với các chủ đầu tư nhằm đạo tạo ngành nghề theo yêu cầu...
Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng cần tính đến đào tạo lao động có tay nghề cao, muốn vậy phải đổi mới chương trình, dạy học ở cơ sở nghề và phải sát thực tiễn, đúng nhu cầu của xã hội, phải gắn lý thuyết với thực hành...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích- Trưởng ban chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Ban chỉ đạo các huyện thành phố tập trung khắc phục hạn chế, tồn tại đã được nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị để thực hiện thành công đề án trong 5 năm tiếp theo từ 2016-2020.
Trước hết là làm thật tốt công tác tuyên truyền đến từng người dân. Các cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động hơn và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành bằng công việc, kế hoạch cụ thể. Phải hết sức lưu ý đến chất lượng đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm mới, chuyển ngành, chuyển nghề cho nông dân.
Tin, ảnh: M.Toàn