(Báo Quảng Ngãi)- Bất cứ chủ trương nào muốn đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì điều đầu tiên là phải có sự đồng thuận của người dân. Nếu không tìm được tiếng nói chung với người dân, chủ trương đó chắc chắn sẽ bị phá sản. Chúng tôi muốn nói đến các dự án thông luồng vào các cảng biển và tận thu cát nhiễm mặn của một số doanh nghiệp trong tỉnh thời gian qua.
Chắc mọi người còn nhớ cách đây gần một năm, hàng ngàn người dân xã Nghĩa An đã kéo về huyện lỵ Tư Nghĩa để phản đối việc nạo vét thông luồng cửa Đại sông Trà gây cảnh sạt lở, kéo theo đó là cửa sông Phú Thọ bị bít, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú mắc kẹt trong sông, không thể ra khơi được. Đích thân các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy và UBND tỉnh phải về tận Nghĩa An để đối thoại với dân, đưa ra các biện pháp khắc phục và bồi thường thiệt hại cho dân nên mọi việc mới tạm yên. Vì sao có sự phản đối quyết liệt dự án nạo vét cửa biển như vậy? Vì những người thực hiện dự án đó đã không làm đúng những gì họ cam kết, trái lại, họ gây thiệt hại thêm cho ngư dân.
Cũng nạo vét thông thuồng, tận thu cát nhiễm mặn nhưng Công ty Trường Thành triển khai dự án tại hai cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh huyện Đức Phổ thì được người dân ủng hộ tối đa. Tính chất công việc như nhau, cùng chung một mục đích là “giải phóng” tàu thuyền khỏi mắc kẹt ở cửa biển, giúp ngư dân tránh trú bão hiệu quả nhưng chỗ thì dân phản đối đến cùng, nơi thì dân ủng hộ nhiệt tình.
Lý do đơn giản là nơi nào giữ đúng cam kết, có sự đồng thuận của người dân thì nơi đó triển khai công việc nhanh nhất, thuận lợi nhất. Ngược lại, nơi nào bội tín với dân thì nơi đó sẽ gặp sự phản đối đến cùng. Cuộc họp tổng kết dự án nạo vét cửa biển Mỹ Á giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với đại diện Hội Nghề cá và bà con ngư dân tại cửa biển này vào ngày 24.9 vừa qua là “cuộc họp vui vẻ”, như nhận xét của một lão ngư. Vì những người thực hiện dự án nạo vét cửa biển Mỹ Á đã làm đúng quy trình, không “bóc ngắn cắn dài”, họ khơi thông được luồng lạch để hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong vùng ra khơi thuận lợi nên họ được người dân ủng hộ. Nó khác với dự án nạo vét cửa Đại, tàu thuyền không những không ra vào được dễ dàng như “thuyết trình” của doanh nghiệp, mà trái lại còn bị giam hãm cả tháng trời.
Sẽ còn nhiều dự án “tận thu” khác được triển khai tại một số vùng ven biển trong tỉnh. Người dân cũng sẽ ủng hộ tối đa các dự án mà doanh nghiệp sẽ triển khai trên địa phương của họ với điều kiện, dự án đó phải mang lại hiệu quả thiết thực đến đời sống của cộng đồng. Nghĩa là, muốn thành công của dự án, nhà doanh nghiệp phải tìm được sự đồng thuận của người dân.
Trần Đăng