Phải xây dựng phương án đối phó với bão mạnh, siêu bão

05:10, 07/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Chậm nhất đến tháng 6.2015, phải hoàn thành phương án đối với với bão mạnh, siêu bão. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão vào sáng 7.10.

Tại hội nghị, Bộ TN&MT cho biết, có thể chia khu vực ven biển nước ta thành 5 vùng ven biển có sự khác nhau về ảnh hưởng của bão dựa theo các tiêu chí như mùa bão, các tháng nhiều bão trong năm, tần số bão trong năm, tình hình mưa do bão.

Cụ thể là Quảng Ninh đến Thanh Hóa; Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng đến Bình Định; Phú Yên đến Khánh Hòa; Ninh Thuận đến Cà Mau. Trong đó vùng Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã từng ghi nhận cường độ bão cấp 15, vùng Ninh Thuận đến Cà Mau có cường độ bão đã ghi nhận được là cấp 10.

 

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Quảng Ngãi.
Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Quảng Ngãi.


Các vùng Quảng Ninh đến Thanh Hóa; Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; Đà Nẵng đến  Bình Định có nguy cơ bão đạt cấp 15, cấp 16; Phú Yên đến Khánh Hòa có thể đạt cấp 14, cấp 15 và Ninh Thuận đến Cà Mau có thể lên đến cấp 12, cấp 13. Về nước dâng do bão cao nhất có thể xảy ra từ 2,0 đến 4,5 m.

Khi siêu bão đổ bộ, các tỉnh, thành ven biển và vùng trũng thấp như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đứng trước với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước dâng. Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải sẵn sàng ứng phó với ẩn họa từ mưa lũ sau bão.

Khu vực ven biển Bắc Bộ sẽ có số cơn bão đổ bộ và chịu ảnh hưởng nhiều nhất với tần số trung bình năm là 1,0 - 1,5 cơn.

Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn các vùng khác, với thời kỳ tập trung nhiều bão nhất là 3 tháng giữa mùa hè (6, 7 và 8).

Các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ có khả năng xảy ra gió mạnh trên cấp 12, cấp 13, lớn hơn 1- 2 cấp so với các khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Cư dân ven biển miền Trung và Nam Bộ, hầu hết nhà cửa sẽ bị hư hại khi có gió bão cấp 10 trở lên. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, cường độ bão có thể tăng từ 2 - 11% trong thế kỷ 21.

 

Nhà cửa
Theo dự báo, cư dân ven biển miền Trung và Nam Bộ, hầu hết nhà cửa sẽ bị hư hại khi có gió bão cấp 10 trở lên.


Trước dự báo như trên, lãnh đạo các địa phương đề xuất sớm rà soát quy hoạch xây dựng ven bờ, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương, xây dựng nhà ở, công trình ưu tiên cho  vùng bão và vùng có nguy cơ thiên tai trước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu chậm nhất đến tháng 6.2015, phải hoàn thành phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Trong đó cần rà soát, phân loại cụ thể các công trình, nhà ở để xây dựng phương án sơ tán dân phù hợp trong tình huống xảy ra bão mạnh và siêu bão.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục cập nhật hoàn thiện và công bố về phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão khu vực dải ven biển Việt Nam; Bộ NN&PTNT tổ chức xây dựng bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là một trong những giải pháp quan trọng nhất để ứng phó với bão mạnh, siêu bão.



Tin, ảnh: Ái Kiều

 


.