Học giả quốc tế tham quan tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm

06:06, 22/06/2014
.

Các học giả trong nước và quốc tế đã ghi lại hình ảnh con tàu ĐNa-90152, gặp gỡ, trao đổi với chủ tàu và các nhân chứng là thuyền viên trên tàu.

Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” do Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, chiều nay (21/6), các học giả, nhà nghiên  cứu trong nước và quốc tế đã đến tham quan, gặp gỡ nhân chứng tàu cá Đna-90152 của ngư dân thành phố Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Tàu cá ĐNa-90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa vào ngày 26/5 vừa qua. Hiện tàu cá này đang được bảo quản tại Xưởng đóng tàu Hợp tác xã trục vớt, đóng mới sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

 

 Tàu cá ĐNa-90152 được bảo quản tại xưởng đóng tàu
Tàu cá ĐNa-90152 được bảo quản tại xưởng đóng tàu



Tại đây, các học giả trong nước và quốc tế đã ghi lại hình ảnh con tàu, gặp gỡ, trao đổi với chủ tàu cá ĐNa-90152 và các nhân chứng là thuyền viên trên tàu cá, để thu thập thông tin phục vụ công tác nghiên cứu. Nhiều học giả  bày tỏ bất bình khi nhìn thấy vết tích trên tàu cá ĐNa-90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Tiến sỹ Patrick Cronin, chuyên gia cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình an ninh Châu Á, Thái Bình Dương cho biết: “Hành vi đâm tàu cá ĐNa-90152 của tàu Trung Quốc khiến tàu cá bị chìm là hành vi gây ra thảm kịch đối với con người. Hành vi này không chỉ gây lo ngại cho chính gia đình tàu cá này và ngư dân đánh bắt cá trên biển, mà còn gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng trên vùng biển Đông trước hành động của Trung Quốc”.

Trước đó, trong sáng nay, các học giả trong nước và quốc tế đã tham gia buổi tọa đàm  phân tích các ý đồ của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, phân tích về khía cạnh pháp lý và hành động sai trái này.

Nhiều học giả trong nước và quốc tế đã phê phán hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhất là các hành động bạo lực của các tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên biển, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Để duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, tăng cường xây dựng lòng tin, không có những hành động đơn phương, phá vỡ nguyên trạng. Các học giả kêu gọi Trung Quốc sớm cùng với các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tính ràng buộc cao để ngăn ngừa những hành động leo thang, gây căng thẳng ở Biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ hiện trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận.

Tiến sỹ Hoàng Việt, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc giải quyết tranh chấp tại một phiên tòa là hết sức bình thường vì nó được qui định trong Luật pháp quốc tế và trong Công ước Luật biển cũng qui định điều đó. Thế mà Trung Quốc luôn từ chối. Vậy thái độ của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế như thế nào? Họ có thể nói nhưng họ không làm, họ không tuân thủ Luật pháp Quốc tế. Vấn đề là làm sao để phía Trung Quốc tuân thủ việc này, đó là việc hết sức khó khăn”.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” đã chính thức khai mạc trong sáng nay tại Bảo tàng Đà Nẵng, thu hút đông đảo học giả trong nước, quốc tế và người dân đến xem. Tại đây, lần đầu tiên nhiều tài liệu, hiện vật được giới thiệu; khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ qua./.


Đình Thiệu/ VOV


.