*Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Được biết UBND TP HCM vừa quy định giáo viên dạy thêm không phải xin phép, nghe nói các giáo viên đều thở phào nhẹ nhõm. Tôi tuy không phải giáo viên, cũng không còn là phụ huynh học sinh nữa, nhưng tôi cũng… thở phào nhẹ nhõm.
Vì cái chuyện Bộ GD&ĐT hết “cấm” rồi lại “siết” việc dạy thêm, học thêm, nhiều người dân bình thường đã thấy là chuyện quá bất nhẫn. Cái thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD-ĐT, theo đó, Bộ quy định: Đối với dạy thêm trong trường, giáo viên phải có tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, đăng kí danh sách dạy thêm…
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, phải có đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với UBND cấp xã theo quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này. Về thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép cho các trường hợp dạy thêm, học thêm ở phổ thông…
Đúng là nghe rất ‘đao to búa lớn”, nhưng nó đã xúc phạm không ít tới lòng tự trọng và danh dự của nhà giáo. Bởi dạy thêm không ép buộc, hay học thêm hoàn toàn tự nguyện thì không có tội gì cả. Người giáo viên bỏ công sức dạy thêm, ngoài chuyện có thêm thu nhập, thì đã góp phần quan trọng làm cho học sinh nắm chắc kiến thức trong nhà trường-một kiến thức mà ai cũng biết là rất nặng nề, luôn ở tình trạng “quá tải”. Học sinh học thêm, dĩ nhiên phụ huynh có tốn tiền, nhưng đó là số tiền có thể chịu được, không quá nhiều, trong khi nhiều giáo viên sẵn sàng miễn giảm học phí cho những học sinh nghèo hay có hoàn cảnh đặc biệt.
Dạy thêm là một nghề, lương thiện vì giáo viên bỏ sức lao động ra làm, có ích vì giúp học sinh có thể vượt qua được các kỳ thi nếu muốn học tiếp. Không có lý do gì để ‘cấm” hay “siết” một hoạt động bình thường như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT lại “thả rông” nhiều hiện tượng rất bất thường ngay trong ngành mình.
Trong việc dạy học, dù là dạy chính khóa hay dạy thêm, cái cần “siết” chính là trách nhiệm và lòng tự trọng của giáo viên đối với việc học của học sinh, cũng như đối với sự truyền thụ kiến thức của chính mình cho học sinh. Có trách nhiệm với học sinh thì sẽ không dạy một cách làng nhàng, bôi bác, “qua truông cho xong”.
Còn đã tự trọng thì luôn phải tự nâng mình lên về đạo đức nghề nghiệp, về kiến thức để luôn là tấm gương và là nơi học sinh có thể tiếp nhận được những kiến thức cao hơn, rộng hơn chương trình. Đó không chỉ là yêu cầu đối với giáo viên, mà rộng hơn, còn là yêu cầu với chính Bộ GD&ĐT. Bộ cũng nên tự “siết” mình trong những mục tiêu và quy định nghiêm khắc ấy. Chứ không phải cứ là cơ quan chủ quản ngành thì muốn làm muốn nói kiểu gì cũng được.
Một khi TP. HCM đã chủ động giải tỏa chuyện dạy thêm như thế, Bộ GD&ĐT sẽ nghĩ gì ? Riêng tôi thì nghĩ: trước một chủ trương đúng đắn như thế của một thành phố lớn, vì lợi ích của học sinh và sự hành nghề không hề bị pháp luật cấm của giáo viên, Bộ GD&ĐT nên nhận ra ngay sai lầm của mình từ cái thông tư cách đây 2 năm, và xóa bỏ ngay cái thông tư đó. Bởi, tôi đã chứng kiến, từ hai năm nay, dù có thông tư “siết” chuyện dạy thêm, thì nhu cầu học thêm không vì thế mà mất đi và việc dạy thêm thì có thêm nhiều kiểu…luồn lách cho qua cái thông tư này, và mọi chuyện dù có thay đổi cách thức, nhưng nội dung không thay đổi. Cấm như thế thì cấm làm gì! Và được gì từ chuyện “cấm” hay “siết” đó?
Kỷ cương dạy và học cũng không vì thế mà được nâng cao, kiến thức của học sinh không vì thế mà phong phú hơn, tiền bạc của cha mẹ học sinh không vì thế mà tiết kiệm được. Vậy thì được cái gì, và được cho ai?