(Baoquangngai.vn)- Chiều 22.5, tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, hàng trăm phụ nữ của xã Bình Châu đã tập trung phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngang ngược cấm đánh bắt trên Biển Đông; đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Dưới cái nắng oi bức của ngày hè, thế nhưng tại lăng vạn Gành Cả, nơi thờ tự "thần biển" thiêng liêng của làng chài, thuộc xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, hàng trăm phụ nữ là người mẹ, người vợ, người con của ngư dân Bình Châu, huyện Bình vẫn tập trung về đây để phản đối và lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam. Trong tay ai cũng cầm băng rôn, biểu ngữ khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa” là của Việt Nam; đồng thời phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
|
Hàng trăm phụ nữ đã tập trung về lăng vạn Gành Cả để lên án hành động của Trung Quốc. |
Cầm trên tay hình ảnh tấm bản đồ Việt Nam ghi rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chị Nguyễn Thị Diệu, vợ của ngư dân Trần Hoang, chủ tàu cá QNg-95725 khẳng định, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống mà cha ông chúng tôi nối tiếp nhau mưu sinh đã bao đời nay. Nhưng thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những hành động xâm lấn, uy hiếp, xua đuổi không cho ngư dân chúng tôi đánh bắt trên vùng biển của cha ông chúng tôi.
Từ đầu tháng 5 trở lại đây, ngoài việc dùng rất nhiều loại tàu để hộ tống giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, những ngày gần đây Trung Quốc đã ngang ngược gia tăng hành động cản trở, trấn áp, bắt bớ, đánh đập ngư dân, đồng thời cướp ngư lưới cụ cũng như hải sản mà ngư dân chúng tôi đánh bắt được, gây khó khăn cho ngư dân chúng tôi.
Hành động ngang ngược vô lý của phía Trung Quốc không những vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, gây bất ổn trên ngư trường truyền thống của chúng tôi mà còn làm tổn thương đến tính mạng, tài sản của một số ngư dân khi đang đánh bắt cá bình thường trên vùng biển của cha ông chúng tôi.
|
Nhiều phụ nữ đã tập trung ngoài bờ biển để phản đối những hành động phi lý của Trung Quốc. |
Chúng tôi là những người mẹ, người vợ, người con của ngư dân Bình Châu, huyện Bình Sơn, chúng tôi cực lực phản đối hành động của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam; rút lập tức giàn khoan và tàu thuyền các loại ra khỏi vùng biển Việt Nam, trả lại sự bình yên của ngư trường truyền thống để ngư dân chúng tôi mưu sinh.
Cũng như chị Nguyễn Thị Diệu, chị Nguyễn Thị Nương, vợ của chủ tàu Võ Văn Lựu, người đã từng bị Trung Quốc bắt, đánh đập và cướp tài sản khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam cũng hết sức bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Chị nói: Trung Quốc đã đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời ngang ngược cho nhiều tàu gây cản trở, đập phá và cướp tài sản, đánh đập ngư dân khi đang đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam, giờ Trung Quốc lại đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá tại một số khu vực ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, khiến những người dân chúng tôi vô cùng bất bình.
Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam nói chung, của ngư dân Bình Châu chúng tôi nói riêng, vì vậy chúng tôi lên án hành động ngang ngược trên của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút vô điều kiện giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời rút toàn bộ các tàu hộ tống và các tàu đánh cá ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt các hành động tương tự...
Còn chị Võ Thị Nghĩa, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu thì cho biết, chị vừa chuẩn lo xong phí tổn cho chồng để chuẩn bị ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt cá. Mặc dù chuyến biển vừa rồi, tàu của chồng chị liên tục bị Trung Quốc cản trở, xua đuổi và uy hiếp, thế nhưng sau khi trở về bán cá xong, chị lại động viên chồng tiếp tục ra khơi bám biển. “Biển là của cha ông ta, biển của Việt Nam mà, mình phải ra khơi đánh bắt chứ không cớ gì phải sợ hành động của Trung Quốc”- Chị Nghĩa nói.
Hiện toàn xã Bình Châu có 426 chiếc tàu với công suất 66.700CV, trong đó có 143 tàu thường xuyên đánh bắt tại hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Hai ngư trường trên đã nuôi sống hàng ngàn người dân trong xã, đó là chưa kể đến việc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của những xã lân cận. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ ở xã Bình Châu cho rằng, bất chấp những hành động ngang ngược của Trung Quốc, họ sẵn sàng động viên chồng, con của họ tiếp tục bám biển để đánh bắt cá, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Phụ nữ Bình Châu cũng kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam và thế giới cùng lên án, phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo, cản trở cuộc sống mưu sinh của bà con ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.