(Báo Quảng Ngãi)- Chưa bao giờ ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) lại có cảnh trên trời dưới…dưa như năm nay. Hàng mấy trăm xe tải chở dưa hấu nằm gối đầu nhau, chết dí chờ thông quan sang Trung Quốc. Chờ lâu đến nỗi dưa rục rã bốc mùi, người dân địa phương “hôi dưa”, mót dưa, thậm chí “xin đểu” dưa. Không biết trong số những xe chở dưa hấu chờ thông quan ấy, có bao nhiêu xe chở dưa hấu của Quảng Ngãi?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm nay được mùa dưa hấu. Nhưng phải nói, năm nay lượng dưa hấu được trồng trên cả nước là quá lớn.
Ai cũng biết thị trường Trung Quốc tiêu thụ dưa hấu Việt Nam với số lượng “khủng”. Nhưng khả năng tiêu thụ là một chuyện, thực tế thông quan qua cửa khẩu lại là chuyện khác. Và phía sau chuyện thông quan chậm chạp ấy còn ẩn những ý đồ gì thì quả thật phía chủ hàng Việt Nam không thể biết. Cách thức chở dưa hấu xuất khẩu của phía Việt Nam là hoàn toàn tự phát, không thể kiểm soát, và gần như không có bất cứ một “lộ trình thông quan” nào để lượng dưa hấu xuất khẩu có thể tuần tự qua cửa khẩu. Nó giống như cảnh xe ô tô bị ách tắc trên Quốc lộ 1 sau một sự cố hay tai nạn nào đó. Cứ ùn ứ, nối đuôi nhau, và…chờ.
Sở dĩ có chuyện đó vì dù năm nay được mùa dưa, nhưng người trồng dưa hấu trong cả nước lại bị lỗ nặng. Nhiều gia đình khốn khổ vì... dưa. Nhiều gia đình nợ nần vì vay vốn, thuê đất trồng dưa. Nhiều gia đình sau vụ dưa phải đi tới các thành phố hay khu công nghiệp lớn đặng…làm thuê. Chưa bao giờ người trồng dưa hấu thê thảm như năm nay. Vì thế, lượng dưa hấu đổ về cửa khẩu mong được xuất sang Trung Quốc một cách tuyệt vọng như thế là có lý do của nó. Nó như chỗ thoát hiểm cuối cùng, canh bạc cuối cùng của người trồng và tiêu thụ dưa hấu trong cả nước.
Chưa bao giờ thấy Bộ NN&PTNT “nghiên cứu” xem cả nước trồng khoảng bao nhiêu hécta dưa hấu là vừa, đủ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Nếu tính được “đầu ra” ấy, thì sẽ đặt định được “quota” trồng dưa hấu cho tất cả các vùng trên cả nước. Với những vùng mà người dân nói “không trồng dưa hấu thì không biết trồng gì” thì phải ưu tiên cho cây dưa hấu. Nhưng với những vùng không trồng dưa hấu thì trồng cây gì khác, Bộ NN&PTNT cũng phải chỉ ra, để nông dân những vùng ấy có thể trồng cây gì thay vì trồng dưa hấu? Lại bài toán “trồng cây gì nuôi con gì”, nhưng cụ thể hơn, và đóng khung trong cây dưa hấu và cây “ngoài dưa hấu”.
Nếu Bộ NN&PTNT tính được trên tầm vĩ mô, tầm cả nước nơi nào trồng dưa hấu tốt, và trồng bao nhiêu thì vừa, các địa phương có canh tác dưa hấu trong cả nước sẽ được phân công rõ ràng, mỗi địa phương có thể trồng bao nhiêu hecta dưa hấu, dự tính thu hoạch bao nhiêu, bán ở những thị trường nào? Chứ nếu cứ để việc trồng dưa hấu diễn ra tự phát như hiện nay, thì không những mục tiêu “xóa đói giảm nghèo” không thể thực hiện được, mà những cảnh ùn ứ xe chở dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh vẫn không thể giải quyết xong. Nhìn những cảnh ấy, không biết quan chức Bộ NN&PTNT cảm thấy thế nào, chứ người dân, dù không có dưa hấu để bán, vẫn cảm thấy đau lòng và xấu hổ. Một việc như thế, trưng ra trước người nước ngoài sẽ khiến người ta coi thường mình, vì nó chứng tỏ một đất nước phát triển không có kế hoạch, và buôn bán một cách tự phát, tùy tiện, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiểu ngạch, vào đối tác một cách mù mờ.
Dĩ nhiên, trách nhiệm không chỉ thuộc về Bộ NN&PTNT. Nhưng Bộ này phải là chủ chốt để giải quyết “tình trạng dưa hấu”. Không thể để kéo dài mãi.
Thanh Thảo