(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển đổi ngành nghề cho hàng ngàn lao động ở 9 xã thuộc Khu Kinh tế Dung Quất, hai khu tái định cư Bình Thanh Tây (Bình Sơn), Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) và vùng dự án Khu công nghiệp-Đô thị VSIP Quảng Ngãi giai đoạn I. Theo đề án này, đến năm 2015, sẽ có 5.000 lao động được giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề theo hướng công nghiệp và dịch vụ cho khoảng 2.400 lao động nữa. Tổng kinh phí để thực hiện đề án từ năm 2014-2018 là 64 tỷ đồng.
Xét trên bình diện “số liệu” thì đây quả là những con số lý tưởng.
Vì chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm mà giải quyết cho ngần ấy người có việc làm thì quả là con số trong mơ. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Nghề gì mà giải quyết việc làm cho từng ấy người? Câu hỏi không dễ trả lời nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những số liệu trong các báo cáo.
Khu Kinh tế Dung Quất đã nên hình nên dạng hơn chục năm nay. Hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp cũng đã mọc lên ngày một nhiều trên vùng cát trắng này. Hàng vạn gia đình đã phải nhường đất và rời làng quê chôn nhau cắt rốn để đến nơi ở mới. Tỉnh cũng đã từng có những đề án giải quyết việc làm cho số lao động mất đất sản xuất ở Dung Quất với những ưu tiên ưu đãi đủ các kiểu. Thế nhưng, con em Dung Quất, những gia đình đã phải “hy sinh” quyền lợi riêng để phục vụ cho cái chung, liệu có bao nhiêu người thực sự “có việc làm” theo đúng nghĩa của từ này?
Không thể trách cứ gì các nhà máy, xí nghiệp ở Dung Quất là tại sao họ lại không nhận hoặc nhận “nhỏ giọt” con em trong khu kinh tế vào làm việc? Chẳng hạn như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một dự án đã đưa Quảng Ngãi vào hàng top 4 nộp ngân sách của cả nước nhưng không thể nhận số con em ở Dung Quất chỉ mới học xong phổ thông cơ sở được! Vậy thì đào tạo nghề gì bây giờ để cho số con em ở Dung Quất và các vùng lân cận có cơ hội thoát khỏi cảnh “hành phương Nam” đi bán mì gõ, bán vé số khi đất đai của họ không còn nữa?
Để giải bài toán khó này, ngay tại Khu Kinh tế Dung Quất cũng đã hình thành trường đào tạo nghề, song số học sinh “có nghề” này vẫn rất ít có cơ hội để tìm kiếm việc làm ngay tại vùng đất mà mình được học nghề. Cái khó ở chỗ, giữa nguồn cung và cầu luôn luôn có độ vênh nên vẫn xảy ra tình trạng “nghề tôi cần thì anh không đáp ứng, nghề anh đào tạo thì tôi không cần”. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp và nơi đào tạo vẫn chưa được thông suốt. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhận số công nhân đã qua trường lớp nhưng khi về làm việc trong nhà máy, số công nhân đó vẫn phải được đào tạo lại một thời gian nữa.
Hai năm nay, Khu công nghiệp Tịnh Phong đã thật sự khởi sắc, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế. Hàng loạt nhà máy đã hình thành, thu hút cả ngàn lao động. Khu Công nghiệp- Đô thị VSIP cũng đã bắt đầu vào cuộc. Đó là những tín hiệu vui trong việc giải bài toán việc làm cho hàng vạn lao động trong vùng. Tuy nhiên, đào tạo nghề gì để “đầu ra” được hanh thông mới là điều cần phải tính toán. Làm sao đó để những con số trong đề án trên đây thật sự “cựa quậy” chứ không phải là những số liệu khô cứng.
Trần Đăng