Cơ hội cho tỏi Lý Sơn

06:03, 26/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tuyên bố chung Việt-Nhật về quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh Châu Á-Thái Bình Dương” đã được Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký tại Tokyo-Nhật Bản. Trong Tuyên bố chung có một đoạn ngắn nhưng rất quan trọng liên quan tới Quảng Ngãi: Hai nhà lãnh đạo đã:  “Chứng kiến lễ ký các văn kiện về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay 123 tỷ Yên ưu đãi đợt 2 tài khóa 2012 cho năm dự án về xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn Hồ Chí Minh - Dầu Giây).

TIN LIÊN QUAN

Chắc chắn, người Quảng Ngãi rất quan tâm và vui mừng vì thông tin này. Nhưng còn một thông tin khác trong “Tuyên bố chung”, tuy không liên quan trực tiếp tới Quảng Ngãi, nhưng lại khiến tôi rất chú ý. Đó là hai điều khoản trong “Tuyên bố chung…” về hợp tác nông nghiệp Nhật-Việt. Xin được trích:

26) Hai bên quyết định lập cơ chế Đối thoại hợp tác để thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và sẽ sớm tổ chức phiên họp đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2014.
27) Hai bên cũng quyết định tăng cường hợp tác công-tư nhằm thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam và thiết lập cơ chế trao đổi về phát triển ngành công nghiệp thực phẩm của hai nước và sớm tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Việt Nam.


Phải nói, đây là cơ hội hợp tác rất lớn cho nông nghiệp Việt Nam. Ai cũng biết sự phát triển ở trình độ rất cao của nông nghiệp Nhật Bản, từ sản xuất tới chế biến. Nông nghiệp là một lĩnh vực rất rộng, và nếu Quảng Ngãi tìm được cơ hội hợp tác với Nhật Bản ở một số điểm cụ thể nào đó, thì việc hợp tác để nâng cao năng suất, chất lượng tỏi Lý Sơn, và nhất là hợp tác để chế biến, đưa những chế phẩm từ tỏi Lý Sơn ra thị trường thế giới là một sự hợp tác khả thi và hứa hẹn hiệu quả.

Về chất lượng tỏi Lý Sơn, thì ai cũng biết, do những đặc tính riêng của vùng đất trồng tỏi trên đảo Lý Sơn, do chất bón và khí hậu, do kỹ năng chăm sóc đặc biệt, tỏi Lý Sơn đã thuộc vào dòng sản phẩm tỏi hàng đầu thế giới. Tỏi Lý Sơn đã có thương hiệu. Nhưng cho tới hiện nay, đó vẫn là thương hiệu nội địa. Và thương hiệu này đang có nguy cơ bị xói mòn, bị mai một bởi những sản phẩm “giả tỏi Lý Sơn” được bán với giá rẻ.

Tỏi không chỉ là gia vị, nó còn là chất liệu điều chế thuốc phòng và chữa bệnh từ ngàn xưa và ở nhiều vùng đất, nhiều quốc gia trên thế giới như Arab, Tây Tạng, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…

Khi tiến hành thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam, theo “Tuyên bố chung…”, nếu Quảng Ngãi “nhanh tay” đưa được mặt hàng tỏi Lý Sơn của mình vào trong đó, để tỏi Lý Sơn chính thức thành sản phẩm nông nghiệp được chú trọng từ khâu sản xuất tới chế biến và nâng cao thành một thương hiệu quốc tế, thì tỏi Lý Sơn sẽ thong dong đến với toàn thế giới. Lúc bấy giờ, không chỉ người nông dân trồng tỏi Lý Sơn được hưởng lợi, mà vị thế sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Quảng Ngãi cũng được khẳng định.

Cơ hội thì bao giờ cũng chỉ là cơ hội, nếu ta không thể biến nó thành hiện thực. Nếu ngay từ bây giờ, Quảng Ngãi đăng ký sản phẩm “Tỏi Lý Sơn” của mình vào “Chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam” nằm trong chương trình hợp tác Nhật-Việt theo tinh thần của “Tuyên bố chung…”, thì cơ hội cho tỏi Lý Sơn là sáng sủa. Bước đi đầu tiên bao giờ cũng quan trọng nhất.

Thanh Thảo
 


.