Chất vấn và trả lời chất vấn: "Nóng" chuyện khai thác cát nhiễm mặn, thủy điện

08:12, 06/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 6.12, kỳ họp bước sang ngày làm việc cuối cùng. Trong buổi sáng, các đại biểu đã tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề được các đại biểu đưa ra, trọng tâm nhất là thực trạng cấp phép khai thác cát nhiễm mặn tại cửa Đại; công tác ổn định cho người dân tái định cư dự án thủy điện…
 
Đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, để phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã cấp phép cho các nhà đầu tư thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, một số công trình đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

 

Đại biểu tham dự kỳ phiên chất vấn.
Đại biểu tham dự phiên chất vấn.
 
 
Cụ thể như dự án Nhà máy Xi măng Đại Việt- Dung Quất, cấp phép đầu tư cho nhà máy đi vào hoạt động ngay trong khu dân cư đông đúc, trong lúc chưa thực hiện việc di dời tái định cư cho người dân; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe nhân dân xung quanh nhà máy.
 
Dự án thủy điện Hà Nang- Trà Bồng, khi cấp phép đầu tư chỉ thực hiện tái định cư, không thực hiện tái định canh cho 104 hộ dân, khoảng 500 khẩu ở thôn 1 và thôn 4 xã Trà Thủy. Vì mưu sinh, người dân ở đây đã chặt phá 54ha rừng phòng hộ đầu nguồn, cho đến nay người dân vẫn thiếu đất sản xuất. 
 
Dự án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa chỉ mới thực hiện từ tháng 6.2013 đến tháng 10.2013 đã làm bồi lấp cửa sông Phú Thọ và sạt lở bờ biển tại Cửa Đại, thôn Phổ Trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân...
 
Đại biểu đề nghị cho biết ai chịu trách nhiệm trong việc cấp phép đầu tư thực hiện dự án trong khi các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án chưa đầy đủ. Đại biểu cũng đề nghị cho biết dự án này đã đóng góp bao nhiêu cho ngân sách? Với những hậu quả đã xảy ra ai chịu trách nhiệm khắc phục?
 
Trả lời câu hỏi về dự án án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, ông Phạm Trường Thọ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Cửa Đại của sông Trà Khúc là cửa sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Hàng năm, thường xuyên bị bồi lấp vì thế vào mùa khô tàu thuyền thường bị mắc cạn khi ra vào cửa, đến mùa mưa lũ lại ngập úng vùng thượng lưu cửa sông do chậm tiêu thoát lũ. Chính vì vậy, việc nạo vét, thông luồng để thuận lợi cho giao thông đường thuỷ và tăng khả năng thoát lũ là hết sức cần thiết.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ.
Trước yêu cầu bức xúc của nhân dân các xã ven biển, của chính quyền địa phương, ngoài ra còn có ý kiến thoả thuận về kỹ thuật của các Bộ, ngành Trung ương và sự cho phép của Chính phủ về việc tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu, trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành chức năng, UBND tỉnh có ý kiến thỏa thuận để chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư trong 2 năm 2008-2009. 
 
Theo đó, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác gồm: Công ty Cổ phần Trường Phát Lộc và Công ty TNHH Sản xuất TMDV Ngọc Việt. Đến ngày 31.8.2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh. Thời gian thực hiện: 5 năm, từ 2013- 2017. Tổng vốn đầu tư 603,172 tỷ đồng.
 
Kết quả thực hiện: Từ 30.6.2010 trở về trước, Công ty Cổ phần Trường Phát Lộc: Đã nạo vét và xuất khẩu được 39.825m3  cát nhiễm mặn. Đến ngày 30.6.2010, các dự án nạo vét, thông luồng tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, từ 1.1.2012 đến 22.9.2013 dự án được tiếp tục thực hiện. Theo đó, Công ty Công ty Cổ phần Trường Phát Lộc thực hiện nạo vét thông luồng từ tim Cửa Đại về phía bắc (phía Sơn Tịnh), bắt đầu từ 28.3.2013. Công ty TNHH Sản xuất TMDV Ngọc Việt thực hiện nạo vét thông luồng từ tim Cửa Đại về phía Nam (phía Nghĩa An); bắt đầu từ 26.6.2013.
 
Tuy nhiên trong quá trình khai thác thì từ ngày 22.9.2013, xuất hiện sạt lở tại cửa Đại. Do bị sạt lở từ cửa sông và dọc bờ biển phía xã Nghĩa An nên sóng biển mang cát vào lấp cửa sông Phú Thọ và sông Kinh làm cho tàu thuyền không ra vào được. 
 
Xác định sơ bộ nguyên nhân gây sạt lở là do tác động của việc nạo vét gây ra và có tác động một phần của sóng biển, triều cường bị ảnh hưởng của các cơn bão số 8, 9,10, 11 và 14 làm gia tăng tốc độ sạt lở...
 
Để xác định chính xác nguyên nhân gây sạt lở khu vực Cửa Đại cần phải khảo sát địa hình vùng đã nạo vét, khảo sát thủy văn, hải văn… khu vực dự án và tính toán kiểm tra bằng mô hình toán. Đây là dự án thuộc vùng cửa sông, ven biển có chế độ thuỷ, hải văn phức tạp, vì thế UBND tỉnh thống nhất giao Sở Nông nghiệp và PTNT thuê cơ quan tư vấn có đủ năng lực để thực hiện khảo sát, tính toán, đánh giá toàn diện nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất giải pháp bền vững, lâu dài khắc phục sạt lở và chỉnh trị cửa sông cho tàu thuyền ra vào được thuận lợi. Thời gian đề xuất giải pháp trong quý I.2014.
 
Về trách nhiệm trong việc cấp phép đầu tư thực hiện dự án, thì Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp phép đầu tư (Giấy chứng nhận đầu tư) và UBND tỉnh Quảng Ngãi là cơ quan quyết định cấp phép đầu tư .
 
Về các điều kiện cần thiết để thực hiện dự án như: Tái định cư, tái định canh cho người dân, do dự án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa chủ yếu triển khai thi công trên mặt nước thuộc phạm vi luồng trong sông, cửa sông không xâm phạm vào đất đai, nhà cửa của người dân và sau khi khai thác, cát nhiễm mặn được vận chuyển đi xuất khẩu. Vì thế, đối với Dự án này không thực hiện công tác tái định cư, tái định canh cho người dân (chỉ thực hiện công tác hỗ trợ, bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng trong quá trình hoạt động sản xuất bởi dự án).
 
Về giám sát chủ đầu tư có thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đã cam kết trong dự án. Việc giám sát chất lượng, tiến độ, khối lượng, an toàn lao động, đảm bảo môi trường… là trách nhiệm của Chủ đầu tư theo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và chất lượng công trình xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình nạo vét, chủ đầu tư chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành như: 
 
Chưa tuân thủ đầy đủ chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của các Sở, ngành liên quan về các quy định quản lý đầu tư xây dựng công trình từ khâu thiết kế, thi công đến quản lý chất lượng công trình, nhất là công tác giám sát, báo cáo tiến độ, lập hồ sơ thiết kế, hoàn công công trình. Các cơ quan tư vấn giám sát chưa có đủ nhân lực và trang thiết bị để giám sát thi công tại hiện trường theo đúng quy định.
 
Về đóng góp cho ngân sách từ việc thực hiện dự án, theo báo cáo của chủ đầu tư, nghĩa vụ tài chính đã thực hiện với Nhà nước từ lúc khởi công đến khi tạm dừng dự án (ngày 24.9.2013) tổng số thuế và phí bảo vệ môi trường phải nộp là  53,928 tỷ đồng. 
 
Về trách nhiệm khắc phục các hậu quả sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng Dự án, giao Sở Nông nghiệp và PTNT thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất giải pháp bền vững, lâu dài để khắc phục sạt lở và chỉnh trị cửa sông cho tàu thuyền ra vào được thuận lợi, nhanh chóng báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong Quý I.2014.
 
Còn đối với Nhà máy xi măng Đại Việt, gây ô nhiễm thì theo báo cáo giải trình của Công ty Cổ phần Xi măng miền Trung thì trong quá trình hoạt động chạy thử Nhà máy gặp 2 lần sự cố đáng tiếc xảy ra do thủng ống hút bụi, tắc lọc bụi làm phát tán bụi ra môi trường (ngày 20.6.2012 và ngày 28.11.2012). Sau khi phát hiện sự cố xảy ra Nhà máy đã ngừng hoạt động sản xuất để khắc phục sửa chữa ngay; đồng thời, các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đến kiểm tra giám sát quá trình thực hiện đảm bảo môi trường dự án. 
 
Trách nhiệm và giải pháp khắc phục, thì dự án đã được đầu tư theo đúng vị trí quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, do thực hiện quy hoạch không đồng bộ (chưa di dời các hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch vì kinh phí thực hiện những năm vừa qua rất hạn hẹp) do đó trong quá trình hoạt động của các dự án ảnh hưởng đến một số hộ dân xung quanh. 
 
Vừa qua để khắc phục tạm thời UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các khu tái định cư để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng và bố trí kinh phí di dời đợt 1 khoảng 119 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do hoạt động của Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. 
 
Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm tình trạng các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động của Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất tỉnh cần bố trí kinh phí để di dời hết các hộ dân trong khu vực này vào các khu tái định cư để ổn định đời sống cho nhân dân vừa tạo quỹ đất sạch để cho các nhà đầu tư thuê triển khai dự án (dự kiến khu vực này sẽ triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Dung Quất - do Công ty Sembcorp Utilities Pte [Singapore] làm chủ đầu tư). 
 
Còn đối với dự án Thủy điện Hà Nang, thì Nhà máy thủy điện Hà Nang đi vào hoạt động từ năm 2011. Trước khi Nhà máy đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã tiến hành di dời và làm nhà tái định cư cho 104 hộ dân phải nằm trong diện di dời để thi công dự án thuỷ điện Hà Nang (trước đây đa số là nhà tranh, vách đất), ngoài ra chủ đầu tư cũng đã xây dựng trường mẫu giáo, trường tiểu học, đường giao thông, hệ thống cung cấp nước sạch. 
 
Tuy nhiên, vấn đề tái định canh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: các khu tái định cư không có điện, thiếu đất sản xuất, một số hộ dân không có đất sản xuất, điều kiện sinh sống không phù hợp với phong tục, tập quán của người đồng bào thiểu số . . . dẫn đến tình trạng người dân tự ý chặt phá rừng trái phép để lấy đất làm nương rẫy, sản xuất; điều kiện sống và làm ăn của các hộ dân ngày cáng khó khăn. 
 
Vấn đề trên chính là những bất cập, hạn chế về công tác quản lý nhà nước đối với dự án thủy điện Hà Nang, dự án thủy điện đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong công tác thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, tái định canh lại chưa chặt chẽ.
 
Đại biểu Hoàng Việt Chính
Đại biểu Võ Việt Chính
Sau trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, nhiều đại biểu vẫn chưa thỏa mãn và yêu cầu làm rõ hơn một số vấn đề. Liên quan đến Dự án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, đại biểu Võ Việt Chính cho rằng, quá trình đánh giá tác động môi trường để cấp giấy phép cho dự án có lấy ý kiến người dân, chính quyền và các hội đoàn thể ở địa phương hay không? 
 
Đồng với quan điểm trên, đại biểu Thiều Quang Lĩnh cho rằng, việc triển khai dự án cơ quan chức năng có giám sát hay không. Địa phương có được tham gia, và địa phương hưởng lợi gì khi dự án náy triển khai?
 
Liên quan đến dự án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, đại biểu Phạm Vinh, Sơn Tịnh cho rằng: Chủ trương nạo vét cửa biển là đúng, bởi có nạo vét thì tàu thuyền mới được ra khơi. Hiện nay, cử tri ở xã Tịnh Khê mong muốn tỉnh có chủ trương để nạo vét cửa Đại và sông Kinh (bên phía Sơn Tịnh). Người dân Tịnh Khê cũng so bì, tại sao người dân Nghĩa An được hỗ trợ mà người dân Tịnh Khê không được…
 
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho biết, đối với dự án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, xã Nghĩa An, sau khi gặp sự cố sạt lở, UBND tỉnh đã tạm đình chỉ để khắc phục sạt lở cũng như bồi lấp. Đồng thời chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai đánh giá tác động môi trường, dự kiến thực hiện trong quý I.2014. Sau khi có kết quả thì UBND tỉnh mới có quyết định.
 
Những cửa biển khác bị bồi lấp thì về lâu dài cũng sẽ nạo vét nhằm đảm bảo chon tàu thuyền ra vào. Tuy nhiên, bao giờ nạo vét thì cũng phải tính toán và cũng phải đánh giá tác động. Đối với ý kiến của người dân Tịnh Khê cho rằng không hỗ trợ cho người dân Tịnh Khê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, người dân Nghĩa An bị thiệt hại do không ra khơi được thời gian dài do cửa biển bồi lấp là một thực tế; còn với ngư dân Tịnh Khê thì vẫn ra khơi đánh bắt được nên không được hỗ trợ.
 
Giám đốc Sở TN&MT Lê Mỹ Liên.
Giám đốc Sở TN&MT Lê Mỹ Liên.
Trả lời thêm về trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường cũng như lấy ý kiến chính quyền và nhân dân trước khi cấp giấy phép cho dự án nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại khu vực Cửa Đại, ông Lê Mỹ Liên- Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi cho rằng, việc đánh giá tác động môi trường Sở đã làm đúng theo quy định. Khi thành lập hội đồng xem xét cũng có sự tham gia của chính quyền địa phương và một vài người dân.
 
Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải niêm yết quá trình khai thác, tác động môi trường… tại trụ sở UBND xã để người dân giám sát, thế nhưng chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc vấn đề này. 
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng, Chủ đầu tư là Công ty Công ty TNHH Sản xuất TMDV Ngọc Việt không thực hiện nghiêm túc các thủ tục, Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị tạm dừng cấp phép cho đơn vị này. Còn đại biểu Bùi Thị Quỳnh Vân (Tư Nghĩa) cũng cho rằng, đã nhiều lần lãnh đạo huyện Tư Nghĩa mời chủ đầu tư này lên để làm việc và giải quyết, thế nhưng chủ đầu tư không nghiêm túc, vì vậy tỉnh cần cương quyết hơn đối với đơn vị này.
 
Đại biểu Đặng Ngọc Dũng.
Đại biểu Đặng Ngọc Dũng.
Liên quan đến dự án thủy điện, đại biểu Đặng Ngọc Dũng, huyện Sơn Hà cho rằng, trên  địa bàn huyện Sơn Hà hiện có 12 thủy điện ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến huyện. Hiện 100% cử tri cũng như cán bộ, nhân dân trong huyện tha thiết mong tỉnh và các bộ, ngành liên quan không nên cấp giấy phép cho dự án thủy điện, bởi khi nó đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, cử tri Sơn Hà cũng mong tỉnh dừng cấp phép cho các dự án thủy điện trên thượng nguồn sông Trà Khúc…
 
Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu đã chất vấn việc đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua có nhiều bất cập: Chợ trung tâm thành phố Quảng Ngãi giao cho doanh nghiệp đầu tư nhưng để bị cháy, hiện nay có thông tin cho rằng doanh nghiệp này không có khả năng tài chính để xây dựng lại; tại nhiều nơi ở nông thôn, miền núi đầu tư xây dựng chợ (có nơi quy mô khá lớn) nhưng người dân họp chợ rất ít, thậm chí không sử dụng, gây lãng phí tiền của nhà nước.
 
Bên cạnh đó một số chợ xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được đầu tư (chợ Bình Hải huyện Bình Sơn, chợ Đức Lợi huyện Mộ Đức, chợ Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh,…). Vậy ai chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng này? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này như thế nào? Khi nào chợ trung tâm thành phố xây dựng xong để nhân dân buôn bán thuận tiện; giải pháp nào để giải quyết tình trạng chợ không sử dụng hiệu quả, chợ xuống cấp nghiêm trọng?
 
Ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công Thương.
Ông Nguyễn Xuân Thủy-Giám đốc Sở Công Thương.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy- Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi cho biết, UBND thành phố Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã ký kết hợp đồng ngày 21/3/2008 về việc giao nhận gói thầu “Phương án đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý Chợ Quảng Ngãi, trên cơ sở xây mới lại chợ (cũ), duy tu bảo dưỡng chợ mới”. 
 
Quá trình triển khai thực hiện, doanh nghiệp lập hồ sơ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư mới chợ Quảng Ngãi (chợ cũ), đến nay doanh nghiệp đã đầu tư (chợ cũ) khoảng 65 tỷ đồng. Ngày 9.2.2012, chợ Quảng Ngãi (chợ mới) bị hỏa hoạn, đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. 
 
Ngày 16.8.2013, Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi đã có thông báo xin chấm dứt hợp đồng đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý chợ Quảng Ngãi, vì lý do, sự cố cháy chợ  Quảng Ngãi là bất khả kháng, công ty không thể khắc phục được. Hơn nữa, đầu tư lại chợ bị cháy là công việc ngoài hợp đồng.
 
Chợ Quảng Ngãi là chợ truyền thống đã hình thành từ bao đời nay, tên chợ gắn liến với tên địa phương. Vị trí chợ ở trung tâm kinh tế thương mại của tỉnh, là chợ đầu mối tổng hợp vừa bán buôn, vừa bán lẻ, chi phối hàng hóa cho các chợ trên địa bàn tỉnh. Chợ Quảng Ngãi là nơi buôn bán của hàng ngàn tiểu thương nên cần nhanh chóng xây dựng lại chợ để đưa các hộ tiểu thương trở về kinh doanh ổn định.
 
Để khắc phục vấn đề trên, Sở Công Thương đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Quảng Ngãi làm việc với Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi nhằm kêu gọi công ty tiếp tục đầu tư, khai thác kinh doanh; đồng thời, giải quyết những vướng mắc của công ty, cũng chỉ đạo giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của UBND thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng chợ Quảng Ngãi.
 
Trường hợp Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, không tiếp tục đầu tư xây dựng chợ Quảng Ngãi, UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Quảng Ngãi, kêu gọi các thành phần kinh tế, tiếp tục đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý Chợ Quảng Ngãi, thay cho Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi.
 
Trường hợp kêu gọi đầu tư xây dựng chợ Quảng Ngãi không thực hiện được; UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Quảng Ngãi, tổ chức xác định vốn của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng chợ Quảng Ngãi (cũ); đồng thời, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, lập dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại của chợ (cũ) và xây dựng mới đối với chợ bị cháy. Phần vốn của Công ty đã đầu tư vào chợ (cũ), nhà nước trả dần cho Công ty, theo thỏa thuận giữa UBND thành phố Quảng Ngãi và Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi.
 
Đối với việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn, miền núi, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng những năm qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chú trọng hơn trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, quản lý hệ thống chợ trên địa tỉnh, nhằm đáp ứng theo hướng văn minh thương mại và thỏa mãn nhu cầu mua bán, trao đổi hàng của nhân dân. Số lượng chợ tranh tre, nứa lá đã giảm từ 39,7% vào năm 2007, xuống còn 27,8% vào năm 2012.
 
Từ trước đến nay, việc đầu tư xây dựng các chợ hạng 2, hạng 3 được UBND các huyện; UBND các xã chủ động lập thủ tục đầu tư và phê duyệt dự án. Nguồn vốn đầu tư chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo chủ yếu từ nguồn vốn do các hộ kinh doanh tại chợ đóng góp, vốn ngân sách của địa phương (UBND huyện, UBND xã) và vốn từ các chương trình mục tiêu.
 
Việc đầu tư xây dựng các chợ (hạng 2,3 nói trên) chưa tuân thủ các quy định và các hướng dẫn nên dẫn đến tình trạng chợ xây dựng xong nhưng không có người họp chợ. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về UBND các huyện và UBND xã. Tuy nhiên, với nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch mạng lưới chợ, Sở Công Thương cũng có một phần trách nhiệm về việc phối hợp với địa phương trong việc kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng chợ của các địa phương.
 
 
M.Toàn (thực hiện)
 

.