Báo cáo của Văn phòng thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết trong đợt lũ vừa qua, không có nhiều thủy điện xả lũ và mức xả không lớn. Thế nhưng phản ánh từ các địa phương cho thấy bản báo cáo này hoàn toàn khác xa với thực tế.
Căn nhà của bà Võ Thị Hoa (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, Bình Định) bị sập và đổ nát sau cơn lũ - Ảnh: Duy Thanh |
Báo cáo cho biết tại thời điểm ngày 15-11, khu vực Bắc Trung bộ có tám hồ chứa thì chỉ có hai hồ xả nước điều tiết, đó là hồ thủy điện A Lưới xả 134 m3/giây, dự kiến trong 12 giờ tới xả 300 m3/giây; hồ Bình Điền xả 296 m3/giây, dự kiến xả 600 m3/giây. Hồ Hương Điền dự kiến xả 360 m3/giây.
Tại khu vực Tây nguyên, với 21 hồ thì chỉ có một hồ xả là thủy điện Buôn Kuốp xả 36 m3/giây, duy trì trong 12 giờ tới. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ với 14 hồ có ba hồ xả, gồm hồ Vĩnh Sơn A xả 22 m3/giây, hồ Vĩnh Sơn C xả 15 m3/giây. Riêng có thủy điện Sông Ba Hạ, mức xả theo báo cáo cập nhật ngày 15-11 lên tới 500 m3/giây.
Tai họa mang tên “thủy điện An Khê - Kanak”
Tại An Khê (Gia Lai), đến chiều 17-11 người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói về cơn lũ này.Bà Trần Thị Thanh Nga (người dân tại thôn 1, xã Song An, thị xã An Khê) cho biết hai ngày qua gia đình bà phải vật vã với việc di chuyển đồ đạc, nhà cửa để chạy lũ. Rạng sáng 16-11, nước sông Ba lên rất nhanh và có tới 16 hộ gia đình tại xã Song An - nơi gia đình bà sinh sống - ngập sâu trong nước, riêng nhà của gia đình bà thì ngập lên tới bàn thờ. “Tôi ở đây từ năm 1975, ở đây không có con nước nào vô hết. Mà bữa nay tự nhiên thấy nước cuồn cuộn, không biết nước ở đâu mà nhanh vậy. Tủ rương ngã hết, còn gà vịt trôi mất” - bà Nga nói.
Ông Đặng Văn Thu, trưởng thôn Thượng An 1, xã Song An (thị xã An Khê), nói chưa bao giờ nước từ thượng nguồn sông Ba đổ về nhanh và bất ngờ như vậy. Người dân phải chạy lũ thoát thân, sáng hôm sau khi trở về đã thấy nước ngập trắng.
Số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Tây nguyên cho thấy: mực nước sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê trong đêm 15 rạng sáng 16-11 vượt trên báo động 3 là 3,65m - mức nước này đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1981 tới 1,67m. Trong khi đó tại thị xã Ayun Pa, nước lũ cũng chạm cầu Bến Mộng. Người dân ở đây cho biết mực nước lần này lớn hơn cả đợt lũ tháng 10-2010.
Ông Trịnh Duy Thuân, bí thư Thị ủy An Khê, cho biết “thủ phạm” gây ra tình trạng ngập lụt của thị xã An Khê trong đợt mưa lũ vừa qua là do thủy điện An Khê - Kanak. Ông Hồ Văn Diện, phó chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, cũng nói trong đợt ngập lụt lịch sử vừa qua có nguyên nhân từ việc Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak và hồ thủy lợi Ayun Hạ đã xả lũ. “Chiều 15-11, sau khi được thông báo hồ thủy điện An Khê - Kanak xả lũ với lưu lượng 2.400 m3/giây, chúng tôi huy động lực lượng khẩn cấp di dời toàn bộ các hộ dân, trâu bò và tài sản của dân ở các phường xã nằm dọc hai bên bờ sông lên khu vực an toàn. Nhờ vậy, dù lũ lịch sử nhưng không gây thiệt hại lớn” - ông Diện nói.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các ngành liên quan ngày 17-11, ông Hồ Quốc Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu gấp cho UBND tỉnh để kiến nghị sớm có một đánh giá khoa học về thực trạng lũ lụt miền Trung. Ông Dũng bức xúc: “Tôi xuống dưới dân, người ta nói họ sống cả ngàn đời, mưa thế này là không gì hết. Lâu nay mình sống ở quê mình biết, mưa 200-300mm là thường thôi. Nhưng những năm gần đây, ở miền Trung hễ có mưa là có lũ lớn và rất lớn. Do đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tham gia để đánh giá vì sao chuyện đó xảy ra, chứ bây giờ chẳng ai nói được hết. Hễ có lũ lớn, ông thì đổ cho thủy điện, ông đổ cho thủy lợi, ông thì đổ mưa to, ông thì đổ do phá rừng, đủ thứ, cuối cùng không biết đổ đâu thì nói là do biến đổi khí hậu. Nếu cứ để thế này thì đời sống của người miền Trung ngàn đời nữa còn cơ cực, không cách chi mà ngóc đầu lên nổi”.
Theo số liệu ghi nhận được cho thấy từ 7g sáng 14-11, mực nước trong hồ thủy điện Hương Điền (dung tích chứa lên đến 820 triệu m3, nằm trên sông Bồ của tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã vượt trên mức an toàn cho phép là 40cm và mực nước này liên tục tăng lên vào những giờ sau đó, nhưng phía nhà máy vẫn không có động thái can thiệp nào. Mãi đến 13g ngày 15-11, khi phía hạ nguồn đã “no” nước do mưa kéo dài thì phía trên thượng nguồn do không chịu nổi lượng nước ồ ạt đổ về hồ nên nhà máy này mới mở cửa xả hết mức có thể với lưu lượng xả lên đến 2.000 m3/giây (trong khi nước về hồ đo được là 1.781 m3/giây). Đến 17g cùng ngày, con số xả lũ đã tăng lên 2.400 m3/giây (trong khi nước về hồ là hơn 2.000m3/giây). Việc thủy điện Hương Điền xả lũ không theo quy trình (nước xả khỏi hồ nhiều hơn nước nhận vào hồ) đã khiến hàng vạn hộ dân của Thừa Thiên - Huế bị nhấn chìm trong lũ.
Ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy TP Hội An (Quảng Nam) - cho rằng ngoại trừ cái lợi của thủy điện mang lại là năng lượng thì mặt trái của nó quá nhiều. Mùa khô tích nước làm Hội An điêu đứng. Nước sông Hoài khô dòng, Cửa Đại bị ngập mặn, nhà máy nước phải đóng cửa. Mùa lũ, việc xả lũ làm nước về nhanh, gây xói lở, đổi dòng, uy hiếp an nguy của phố cổ. “Ai ủng hộ thủy điện kệ họ nhưng tôi thì không. Bất cứ một thủy điện nào xả lũ, Hội An cũng phải gánh chịu. Ngành du lịch ảnh hưởng khủng khiếp” - ông Sự nói.
Theo ông Hồ Văn Mẫn - phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc (Quảng Nam): “Khi thủy điện xả lũ, có báo trước với ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, chúng tôi thông báo đến các địa phương và người dân. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin của người dân còn hết sức hạn chế, có nhiều người đi làm đâu có nghe thông báo, đối phó không kịp, việc thiệt hại về người và của là rất dễ xảy ra”. Ông Mẫn đề nghị các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền giám sát cho được các hồ chứa nước của thủy điện về quy trình vận hành xả lũ, quy trình phối hợp xả lũ giữa các thủy điện. “Phải dự báo và xả lũ sớm, khi mực nước thấp, mực nước sông ở mức báo động 1, 2 thì nên xả, đừng đợi đến khi nước sông ở mức báo động 3 thì xả một lần mấy nghìn m3/giây, dân hạ du chúng tôi chỉ có uống nước no thôi” - ông Mẫn nhấn mạnh. Ông Mẫn cho rằng trong số các thủy điện hiện đang vận hành có ảnh hưởng đến hạ lưu vùng Đại Lộc, chỉ duy nhất thủy điện A Vương là có ký cam kết cùng giám sát việc xả lũ (địa phương cử người lên giám sát xả lũ tại nhà máy) và thông báo lũ trên hệ thống loa công cộng, các thủy điện khác từ Đăk Mi 4, Sông Bung 4, 4A, 4B đều không thực hiện được việc này.
Ông Nguyễn Văn Trúc, chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cũng nói những ngày qua mưa quá lớn, cộng thêm việc xả lũ của các thủy điện nhanh và đột ngột, có lúc xả hơn 7.000 m3/giây. Nước lớn về ban đêm, trong vòng hai giờ mà từ báo động 1 lên đến báo động 3, người dân ở dưới trở tay không kịp. Mỗi lần thủy điện xả lũ là y như rằng người dân Đại Lộc mất trắng, đợt này hoa màu bị hư hỏng nặng hơn 100ha.
Tính đến chiều tối 17-11, nước về lòng hồ tại thủy điện Sông Tranh 2 là 2.558 m3/giây, khiến nước trong lòng hồ dâng cao vượt trên ngưỡng tràn hơn 3,5m, buộc thủy điện này phải tiếp tục xả tràn với lưu lượng lên đến 2.450 m3/giây. Trong khi đó lượng nước về hồ ở thủy điện A Vương là 250 m3/giây, hiện nhà máy này đang xả về hạ lưu một lượng nước tương tự đã nhận.
Theo NHÓM PV TUỔI TRẺ