Ngày 9/11 có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật.
Tối 8/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tham dự sự kiện này còn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và một số địa phương.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành và tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Năm 1946, cũng vào ngày 9/11, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng cho việc thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt. Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp sửa đổi và toàn bộ hệ thống pháp luật của đất nước…
Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật. Đây cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta đang định cư sinh sống ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các quy định của Hiến pháp và pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ: Mặc dù công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sau gần 30 năm đất nước đổi mới đã có những tiến bộ quan trọng, nhưng nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta chưa thực sự đồng bộ, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu.
“Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần phải coi trọng cả việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Việc tổ chức Ngày pháp luật để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật, nêu gương sáng về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy. Với ý nghĩa to lớn, thiết thực và rất nhân văn trên đây, thay mặt Chính phủ, tôi long trọng công bố: Ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Cùng với yêu cầu Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp và không phô trương, hình thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật kỷ cương công vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức; kiên quyết loại bỏ tham nhũng, các hành vi tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh và thống nhất.
Thủ tướng cũng yêu cầu cung cấp đầy đủ, tiện ích các dịch vụ pháp lý và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; phát huy dân chủ, vận động, thu hút nhân dân tham gia hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; cố kết lòng tin, tạo đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy, nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh…./.
Theo Thành Chung/VOV