Lực lượng chức năng các tỉnh tiếp tục di dân tránh vùng ngập nặng, cấp phát lương thực, nước uống cho bà con vùng lũ.
Tối qua (16/11), tại các tỉnh miền Trung, trời ngớt mưa nhưng mực nước các sông từ Quảng Nam đến Bình Định vẫn còn ở mức cao. Mưa lũ đã làm 21 người chết, 7 người mất tích.
Đến sáng nay, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến trở lại. Hiện các tỉnh miền Trung đang khẩn trương cung cấp nước sạch, thực phẩm giúp đỡ người dân bị ngập lũ.
Đến sáng nay, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến trở lại. Hiện các tỉnh miền Trung đang khẩn trương cung cấp nước sạch, thực phẩm giúp đỡ người dân bị ngập lũ.
Thông tin ban đầu từ các địa phương ở Bình Định cho biết, đợt mưa lũ này đã làm 12 người chết, 2 người mất tích, hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi hết tài sản. Tối 16/11, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định, triển khai biện pháp cứu hộ khẩn cấp người dân còn bị kẹt trong lũ, khắc phục hậu quả do cơn lũ lịch sử tại tỉnh này.
|
Mì tôm được chuyển đến đồng bào đang bị nước lũ cô lập.
|
Tỉnh Bình Định đã sơ tán hơn 30.000 người dân đi tránh lũ tại các vùng bị ngập nặng thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn, TP Quy Nhơn. Hiện cả tỉnh vẫn còn hơn 95.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ, hàng chục ngàn người dân vẫn đang trú tạm tại các vùng cao chưa thể về nhà. Nhiều vùng dân cư tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn vẫn còn ngập sâu trong nước, chưa thể tiếp cận. Hàng chục xã vẫn còn bị cô lập, các tỉnh lộ bị chia cắt, sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu trợ.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Tỉnh đang huy động lực lượng vũ trang tập trung cứu những người dân bị mắc kẹt, cung cấp mì ăn nước uống.
“Các ngành chức năng của của tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang vẫn đang tiếp tục đưa những hộ dân ở những vùng nước chưa rút, ngập sâu, nhất là người già và trẻ em đến những vùng cao ráo. Đồng thời với đó là việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và cảnh báo những vùng ngập lụt, đường giao thông, đảm bảo đi lại của nhân dân được an toàn và làm tốt công tác giám sát các hồ chứa”, ông Lê Hữu Lộc cho biết.
|
Lực lượng thanh niên cấp phát nước uống cho bà con vùng lũ.
|
Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm 8 người thiệt mạng, 4 người mất tích. Đặc biệt, nước lũ cũng đã làm sạt lở, gây chia cắt giao thông ở các huyện miền núi như Minh Long, Sơn Tây, Sơn Hà. Thống kê sơ bộ đến thời điểm này, mưa lũ cũng đã làm ngập gần 62 ngàn giếng nước bị ngập, hàng trăm tấn lúa của bà con bị ngập chìm trong nước lũ, hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh trắng tay.
Ngày 16/11, tỉnh Quảng Ngãi đã trích ngân sách mua hơn 100.000 gói mỳ ăn liền, gần 100.000 chai nước suối và 30 tấn gạo để hỗ trợ trước mắt cho nhân dân vùng ngập lụt. Những gói mỳ tôm, chai nước uống quý giá đầu tiên đã được các lực lượng đoàn viên thanh niên, quân đội chuyển đến tay người dân.
Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi - Hà Thị Anh Thư cho biết: Sáng 17/11, tất cả đoàn viên thanh niên của nhiều huyện sẽ cùng với nhân dân khắc phục bão lụt, đem đến cho bà con những thùng nước, những gói mỳ tôm để ấm lòng bà con vì thực tế có rất nhiều bà con cả ngày hôm qua đến hôm nay chưa có hạt cơm nào trong bụng.
Mưa lũ tai các tỉnh miền Trung khiến nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum, Quốc lộ 19 từ Bình Định đi Tây Nguyên, Quốc lộ 1 A đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam bị ách tắc, sạt lở nhiều điểm. Đến sáng nay, tất cả đều thông xe trở lại. Riêng cầu Tân An trên Quốc lộ 1 A đoạn qua thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định bị sạt mố cầu dài 30 mét, sâu đến 10 mét.
Ông Vũ Đình Dũng - Khu Quản lý đường bộ 5 cho biết, đã huy động lực lượng, phương tiện san lấp, khôi phục giao thông, phấn đấu thông xe vào tối 17 hoặc sáng 18/11.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, nước đang rút chậm, trong lúc đó các 56 hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, nước đều qua tràn; các thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới vẫn điều tiết nước với nước về hạ lưu tương đương với lưu lượng nước về hồ. Hiện nước lũ ở trên sông Hương và sông Bồ vẫn ở mức cao, vì vậy nhiều xã ở huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà vẫn còn ngập sâu./.
Theo VOV