Nghề cho dân tái định cư

08:07, 20/07/2013
.

(QNg)- Tái định cư lại là câu chuyện “nóng” làm cho nhiều người quan tâm, bức xúc. Dù đây là vấn đề không mới nhưng nó vẫn luôn mang tính thời sự. Bởi sau hơn chục năm trời thực hiện công tác tái định cư, chúng ta vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thấu đáo vấn đề này.

Tại sao chủ trương “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ” vẫn chưa thành hiện thực? Tại sao ở nhiều khu tái định cư, cuộc sống của người dân luôn chật vật, thiếu thốn?

Thậm chí có nhiều người không muốn vào ở, dù nơi ở mới họ có  nhà mới hơn, sạch đẹp hơn?... Dẫn đến nhiều khu tái định cư không phát huy công năng, xuống cấp, vừa không đạt mục tiêu tái định cư, vừa gây lãng phí tiền của của xã hội.

 


 Nguyên nhân của vấn đề này, là do nhiều nhà đầu tư chạy theo tiến độ của dự án mà làm gấp, làm cho xong nơi ở, có nhà mới, để “đưa” dân vào mà không quan tâm họ sẽ sống, sinh hoạt ra sao, sản xuất như thế nào? Sau đó mới tính chuyện hoàn thiện dần hạ tầng, rồi mới tính phương thức sản xuất cho dân tái cư…(nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư quên luôn điều này).

Hệ lụy mà người dân phải gánh chịu là thường bất an ở môi trường sống mới, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu cơ hội thoát khỏi đói nghèo và rất nhiều những khó khăn khác phát sinh... Trong khi đó, tiền đền bù sử dụng không đúng mục đích... dẫn đến nguy cơ tái nghèo ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo vì thế lại gia tăng.

Rõ ràng, chính sách và giải pháp bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm hiện thời vẫn chưa phù hợp. Mối liên kết của chủ đầu tư dự án, chính quyền sở tại và người dân tái định cư vẫn còn lỏng lẻo, chưa tìm được tiếng nói chung. Chính việc đầu tư hạ tầng thường không đồng bộ, rồi bài toán “thu nhập và việc làm” cho người dân tái định cư chưa được quan tâm thỏa đáng nên mới có chuyện người dân được tái định cư không thể an cư (chứ chuyện lạc nghiệp thì còn xa lắc).  

Như vậy, có “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ” (dù đây chỉ là điều mà nhiều người kỳ vọng) mới chỉ là một mặt của vấn đề, mục tiêu hướng đến là “việc làm và thu nhập” cho dân tái định cư phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Nghề cho dân tái định cư phải được tạo ra phù hợp với điều kiện canh tác, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng vùng, miền và nhu cầu chính đáng của người dân. Người dân tái định cư phải được cân bằng lợi ích (tương đối) trong tổng hòa lợi ích chung của các bên. Ở nơi mới, họ phải được trao “chiếc cần câu” và môi trường phù hợp để “chiếc cần câu” ấy phát huy tác dụng, để từ đó từng bước tạo thu nhập ổn định cho người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững cho các khu tái định cư, bảo đảm đời sống an sinh xã hội trên địa bàn.


H.T

 


.