(QNg)- Chỉ với một bài hát vài phút đồng hồ trên sân khấu, một ca sĩ lận túi cả trăm triệu đồng. Còn công nhân, một tháng lao động “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” đến lúc nhận lương thì đồng lương lại quá bèo, không đủ trang trải cuộc sống. So sánh như vậy là có phần hơi khập khiễng. Song cuộc sống của người công nhân với đồng lương “lạc hậu” trong thời buổi đất nước đang tiến dần đến một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là vấn đề cần suy nghĩ...
Ai khổ hơn công nhân?. “Tại sao chị em công nhân da giày, may mặc, lao động xây dựng... sau ba, bốn năm đi làm thì cứ gầy còm, ốm nhách ốm nheo dần đi?”. Câu hỏi của ông Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn trong một cuộc hội thảo do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây mà báo chí thông tin không lấy gì làm lạ. Chính ông Điều cũng trả lời được cho câu hỏi của mình, rằng: “Bởi vì họ phải tiêu hao sức lao động rất lớn mà chất lượng bữa ăn không đảm bảo mức tối thiểu là cung cấp 2.300 kcal/ngày”.
Có chuyện trớ trêu như vậy cũng bởi từ đồng lương công nhân mà ra. Một tháng, thu nhập của một công nhân, nếu tăng ca cật lực cũng chỉ được trả vài ba triệu đồng. Chi phí trong thời buổi trượt giá thế này thì sao họ xoay xở nổi, huống chi nhiều công nhân còn phải nuôi con cái, cha mẹ. Vậy nên, công nhân buộc vẫn phải tằn tiện để có được vài trăm ngàn tiền tiết kiệm lo cho người thân. Nhưng không phải công nhân nào cũng dôi dư được tiền từ lương khi mà đồng lương của công nhân hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động theo như kết quả điều tra của Viện Công nhân công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động VN vừa công bố.
Chỉ đáp ứng được 50% cuộc sống tối thiểu của người lao động là đồng nghĩa với việc số tiền lương nhận được của công nhân cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống trong thời gian chừng nửa tháng. Để sống được một tháng với 30 ngày dài thì công nhân phải sống kham khổ, dè sẻn từng đồng may ra mới đủ trang trải. Sống như vậy sao công nhân no đầy, khỏe khoắn được?
Vì sao cuộc sống của công nhân ngày càng thụt lùi? Sự thiếu quan tâm của người sử dụng lao động chính là tác nhân trực tiếp.
Làm cực, lương thấp, đến cả suất cơm công nhân cũng tệ hại. Vậy công nhân không gầy còm, ốm nhách, ốm nheo sao được!
Hàng triệu công nhân lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp (ở Quảng Ngãi lượng công nhân cũng không ít, chưa kể là những người tha hương vào Nam làm công nhân) đang chờ một sự cải biến bữa ăn cho chính mình và chờ thay đổi đồng lương cho xứng với công sức mình bỏ ra. Sự can thiệp, bảo vệ đồng lương công bằng cho công nhân trong lao động từ cơ quan quản lý nhà nước, từ tổ chức công đoàn cũng là vô cùng cần thiết trong lúc này, để giúp công nhân sống được nhờ lương, cải thiện tốt hơn đời sống cho công nhân, vốn dĩ đã sống khổ, sống sở lâu nay. Đồng lương còn “lạc hậu” thì công nhân còn khổ dài dài.
VÕ MINH HUY