Hoạt động CĐ phải hướng về cơ sở, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, phục vụ lợi ích thiết thân, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động
Sáng 28-7, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2013- 2018) chính thức khai mạc. Đại hội vinh dự tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đại diện Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các bộ, ngành; các đồng chí là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện các đoàn khách quốc tế... và 950 đại biểu CĐ cả nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Đại hội XI CĐ Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quyết |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, nhấn mạnh: "5 năm qua, trong bối cảnh đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, người lao động (NLĐ) chịu ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là về việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, đời sống. Song, với bản lĩnh của giai cấp CN, tinh thần năng động, sáng tạo, đội ngũ đoàn viên, NLĐ vẫn tin tưởng, ủng hộ đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội đất nước theo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra”.
Báo cáo tóm tắt của Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa X) khẳng định nỗ lực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của các cấp CĐ trong 5 năm qua. Nổi bật là việc các cấp CĐ đã chủ động nghiên cứu, tập hợp ý kiến của đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia xây dựng, hoàn thiện hàng trăm văn bản pháp luật, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến NLĐ; đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật CĐ năm 2012, tham gia xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012 và nhiều chính sách, chế độ cụ thể về việc làm, tiền lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Các cấp CĐ còn tham gia đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, sắp xếp, giảii quyết chế độ cho lao động dôi dư. Bên cạnh đó, hoạt động Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và các quỹ trợ giúp khác của CĐ đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đoàn viên, NLĐ. Mô hình Quỹ trợ vốn cho người lao động tự tạo việc làm (CEP) của LĐLĐ TP HCM đã được nhân rộng ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực, được Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp đánh giá cao.
Các chương trình hoạt động xã hội, nổi bật là chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" do tổ chức CĐ phát động đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng triệu lượt đoàn viên và NLĐ, được sự hưởng ứng, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước với số tiền hỗ trợ hàng chục tỉ đồng, giúp hàng trăm gia đình ngư dân khó khăn, góp phầnn bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các cấp CĐ còn tập trung đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động CĐ, nổi bật là việc dồn sức thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên. Sau 5 năm, cả nước đã kết nạp gần 3,3 triệu đoàn viên, thành lập thêm gần 30.000 CĐ cơ sở. So với năm 2008, tăng hơn 1,7 triệu đoàn viên và hơn 21.000 CĐ cơ sở; tỷ lệ CĐ cơ sở đạt vững mạnh đạt gần 77%.
"Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; sự quan tâm phối hợp của Nhà nước, các bộ, ngành, các cấp uỷ đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cấp các ngành; tinh thần năng động, sáng tạo của các cấp CĐ và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của đông đảo đoàn viên và NĐ cả nước"- ông Nguyễn Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Đúc kết bài học kinh nghiệm, BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa X) khẳng định: "Việc bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng giai cấp CN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; coi trọng công tác phối hợp với chính quyền, cơ quan hữu quan, các tổ chức chính trị - xã hội, người quản lý đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ. Bên cạnh đó, hoạt động CĐ phải hướng về cơ sở, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, phục vụ lợi ích thiết thân, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và NLĐ; tập trung củng cố, xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh; nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở để giúp đỡ, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho CĐ cơ sở và những DN chưa có tổ chức CĐ. Bên cạnh đó, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chủ động xây dựng và thực hiện qui hoạch đội ngũ cán bộ CĐ, chú ý bồi dưỡng cán bộ xuất thân, trưởng thành từ CN và hoạt động từ cơ sở".
Bên cạnh thành tựu nói trên, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức. Đó là chất lượng đội ngũ CNVC-LĐ vẫn còn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật lao động chưa cao. Tình trạng NLĐ bị mất việc làm, thiếu việc làm, việc làm không ổn định sẽ diễn ra ở tất cả các ngành nghề. Quan hệ lao động có xu hướng phức tạp...
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, thách thức, Đại hội XI CĐ Việt Nam xác định phương châm hành động trong 5 năm tới là: "Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐ". ĐH cũng đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, trong đó đáng lưu ý là hai giải pháp: Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ; Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ các cấp.
ĐH cũng đã nghe báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, CNVC-LĐ và tổ chức CĐ với Đảng và Nhà nước; nghe tham luận của các đoàn đại biểu: TP HCM, Hà Nội và Bình Dương. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cũng đã phát biểu chúc mừng đại hội.
Theo Vĩnh Tùng/Người lao động