Lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên quan tâm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

08:06, 14/06/2013
.

(QNĐT)- Sáng 14/6, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi gồm các đồng chí Võ Văn Thưởng- UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Cao Khoa-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh-Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Cao Khoa- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ngãi trong 6 tháng đầu năm 2013. Nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ và có khả năng vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. GDP đạt được tốc độ tăng trưởng cao 5.543 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 12.145 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng lương thực, thủy sản tăng khá. Hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT diễn ra sôi nổi; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

 

Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp.

Phát biểu kiến nghị với lãnh đạo tỉnh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong những năm qua, do tình hình kinh tế gặp khó khăn chung nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng mong muốn, tỉnh cần có những chính sách quan tâm đến doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Bích- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi cho rằng: Thời gian qua, ở tỉnh ta phát triển du lịch tương đối chậm hơn so với nhiều địa phương. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, thế nhưng các chính sách về đầu tư hạ tầng chưa được quan tâm nhiều nên ảnh hưởng đến đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Ông Bích kiến nghị, tỉnh cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, kè chống sạt lở tại khu du lịch Sa Huỳnh. Tạo điều kiện quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư tại Khu du lịch Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh..

Ông Nguyễn Nị- Giám đốc Công ty cổ phần nguyên liệu giấy Dung Quất cho rằng: Thời gian qua, tình trạng các nhà máy dăm gỗ được đầu tư cấp phép quá nhiều trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng là thi nhau mua nguyên liệu, hậu quả chất lượng dăm kém. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài ép giá, khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Một thực trạng nữa khiến không ít doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu than phiền, thậm chí nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh không muốn đầu tư vào Quảng Ngãi là do chi phí bốc xếp hàng hóa tại 2 cảng ở Dung Quất quá cao so với tất cả các cảng hiện nay trong nước. Vì vậy, tỉnh cần làm việc với 2 đơn vị kinh doanh cảng nhằm giảm giá bốc xếp tại cảng.

Bà Trần Thị Nguyệt- Giám đốc Công ty TNHH Trung Nghĩa kiến nghị: Tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất, nhưng sau này tỉnh ra quyết định thu hồi đất liên quan đến quy hoạch đường gom. Hiện doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn do mặt bằng bị thu hẹp. Hiện doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh sớm bố trí mặt bằng hợp lý để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Còn ông Huỳnh Quốc Hải- Giám đốc công ty TNHH Hải Dung cho rằng, doanh nghiệp ông được thuê đất ở đường tránh Đông từ năm 2002. Giá thuê đất tăng liên tục, từ hơn 7.000 đồng/m2, lên  trên 90.000 đồng/m2. Điều đáng nói là mặc dù ông chưa ký hợp đồng thuê đất mới, Chi cục thuế T.p Quảng Ngãi lại áp thuế đất cho doanh nghiệp ông?
 
Doanh nghiệp gửi gắm, kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh.
Doanh nghiệp gửi gắm, kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh.

Ông Hoàng Liêm- Giám đốc Công ty cổ phần 20/7, cho rằng: Trong những năm qua, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Đáng lo ngại nhất là doanh nghiệp xây dựng thiếu việc làm, lãi vay ngân hàng cao. Vì vậy, đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các gói thầu. Tỉnh có giải pháp can thiệp với ngân hàng để gia hạn nợ cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Hòa- Đại diện Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn kiến nghị: Thời gian qua, tình trạng người dân khai thác gỗ rừng trồng, nhất là việc đốt lớp thực bì của rừng trồng này nằm ngay sát đường ống Nhà máy lọc dầu Dung Quất nên rất nguy hiểm, dễ gây cháy nổ và mất an toàn cho nhà máy. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách để thay đổi rừng trồng này sang rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác thủy sản của ngư dân vi phạm  hành lang an toàn Nhà máy lọc dầu, tỉnh cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên?...

Sau những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng chí Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan trả lời tại chỗ những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành cam kết với các doanh nghiệp thời gian cụ thể để giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc đó. “Những vấn đề nào liên quan đến Trung ương thì sở, ngành và tỉnh kiến nghị đến Trung ương, còn những việc tỉnh giải quyết được thì phải khẩn trương giải quyết cho doanh nghiệp, không thể hẹn đến hẹn lui”- Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của Công ty cổ phần Du lịch Quảng Ngãi, đại diện Sở KH-ĐT và Sở TN-MT cho rằng: Về sạt lở Sa Huỳnh, tỉnh cũng đã làm dự án đầu tư với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Còn đối với dự án mở rộng đầu tư tại Mỹ Khê thì Sở TN-MT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát lại, nếu được sẽ tiến hành cấp đất cho doanh nghiệp.

Liên quan đến kiến nghị của Công ty TNHH Trung Nghĩa, đại diện Sở TN-MT Quảng Ngãi cho rằng, việc thu hồi đất của công ty do liên quan đến quy hoạch đường gom. Công ty xin mở rộng nhà máy, nhưng do quỹ đất xung quanh công ty hầu như không còn. Bên cạnh đó, chủ trương là hạn chế cấp phép cho ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nội thị. Vì vậy, Sở sẽ tìm và bố trí một vị trí khác trong quy hoạch.

Trả lời kiến  nghị của công ty TNHH Hải Dung, đại diện các sở liên quan nhận khuyết điểm về việc để doanh nghiệp lên xuống nhiều lần, đồng thời cho rằng, việc điều chỉnh giá đất theo quy định là 5 năm một lần. Vì vậy, doanh nghiệp có thể liên hệ lại để điều chỉnh cho hợp lý.

Liên quan đến giá dịch vụ tại cảng quá cao, đại diện BQL KKT Dung Quất thừa nhận giá bốc dỡ hàng hóa thông qua 2 cảng tại KKT Dung Quất cao hơn so với các cảng khác trong khu vực. BQL cũng đã nhiều lần làm việc với đại diện 2 cảng này, tuy nhiên lãnh đạo 2 cảng này cho rằng, mức thu trên tuy có cao, nhưng nằm trong quy định được nhà nước cho phép. Bên cạnh đó, đây là 2 cảng do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư (không như nhiều cảng do nhà nước đầu tư), nếu thu thấp như các cảng khác thì sẽ không hiệu quả.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Cao Khoa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nhìn chung những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp được trả lời thỏa đáng, tuy nhiên cũng có nhiều sở, ngành chưa trả lời đầy đủ. Liên quan đến giá đất mà nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, giá đất hàng năm phải điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện từng vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho biết, trong thời gian đến việc triển khai đầu tư các dự án mới là rất ít, kể cả những dự án 30a. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động, không nên chờ vào những dự án của nhà nước. Liên quan đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là vấn đề đã được đề cập trước đây. Tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục xử lý, vì việc đảm bảo an toàn cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất là vấn đề hết sức cấp thiết.

Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Thưởng- UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh: Doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, vì vậy trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh là tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, các doanh nghiệp khi có ý kiến, kiến nghị thì thông qua kênh tiếp nhận tại tại Sở Kế hoạch đầu tư. Sau đó, ít nhất 2 tháng một lần, lãnh đạo tỉnh sẽ ngồi lại để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.
 

Bài, ảnh: M.Toàn


 


.