Bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học

07:06, 16/06/2013
.

(QNg)- Những thông tin về sự tốn kém tới mức đáng kinh ngạc ở một kỳ thi tốt nghiệp trung học ở… Pháp khiến chúng ta phải giật mình. Thì ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ở một nước có kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu đời như Pháp, thì 1,5 tỷ euro cho một kỳ thi tốt nghiệp là một con số quá khủng, nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới như hiện nay.

Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê chính thức về kinh phí, chi phí tổng hợp cho kỳ thi tốt nghiệp TH PThàng năm, nhưng nếu “tính đúng tính đủ” theo kiểu Pháp, thì con số sẽ là rất lớn. Con số ấy không chỉ dành cho ngân sách nhà nước, mà còn dành cho ngân sách từng gia đình có con thi tốt nghiệp, và cho cả xã hội vì kỳ thi ấy mà ảnh hưởng tới hoạt động bình thường như thế nào.

Nhưng Pháp khác Việt Nam ở chỗ, kỳ thi tốt nghiệp THPT (gọi là thi tú tài)

là kỳ thi sàng lọc gần như duy nhất trước khi học sinh ghi danh vào các trường đại học (chỉ có hai trường đại học danh tiếng và truyền thống nhất ở Pháp yêu cầu có kỳ thi đại học là Đại học sư phạm và Đại học bách khoa). Còn ở Việt Nam, chỉ cách kỳ thi tốt nghiệp THPT gần một tháng, thí sinh lại lao ngay vào kỳ thi đại học mà sự sàng lọc là khá khắc nghiệt. Hai kỳ thi trong vòng một tháng có quá nhiều với một thí sinh 18 tuổi?

Qua các kỳ thi tốt nghiệp THPT ở ta những năm gần đây, tỷ lệ đỗ của thí sinh là rất cao, đều xấp xỉ từ 98% tới trên 99% (khác với Pháp tỷ lệ đỗ tú tài chỉ khoảng 80%). Thi ì xèo như thế, tốn kém như thế, mệt mỏi như thế cho cả trò và thầy, cho cả xã hội, nhưng tỷ lệ thi đỗ lại có vẻ rất… nhàn hạ, vậy thì câu hỏi đặt ra là: Thi để làm gì? Một cuộc thi mà thí sinh cầm chắc mình sẽ đỗ, là cuộc thi không còn động lực phấn đấu, chỉ còn như một thủ tục nhằm “qua truông”.

Thi như thế, tại sao không dùng hình thức xét tốt nghiệp từ ngay các trường, vừa đỡ… tốn, vừa sát hơn với trình độ thực học của học sinh?

Có người lo lắng: Nếu xét tốt nghiệp, thì học sinh chỉ học những môn thi vào đại học, còn lơ là hoặc… bỏ những môn khác. Nhưng nếu thi tốt nghiệp, học sinh vẫn học lệch, và đó là điều chúng ta bắt buộc phải chấp nhận. Nhưng nếu xét tốt nghiệp, có thể học sinh sẽ phải cố gắng hơn, vì sợ những môn “phụ” có điểm tổng kết thấp, sẽ không được tốt nghiệp(!) Đằng nào cũng có bất cập, vì không học sinh nào có thể học đều tất cả các môn, nhưng xét tốt nghiệp thì việc học sẽ trở nên ít căng thẳng hơn, vì học sinh chỉ còn lo một kỳ thi tuyển duy nhất: Thi tuyển vào đại học.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc kỹ càng việc này, và nếu có thể, thì nên quyết tâm bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao việc này cho các trường xét tốt nghiệp, và tập trung làm tốt nhất kỳ thi đại học.

Thanh Thảo

 


.