(QNg)- Hội trại “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc 2013” sẽ được Trung ương Đoàn tổ chức tại đảo Lý Sơn từ ngày 3-5/5/2013 với sự tham gia của 1.200 sinh viên trong cả nước. Đây là lần đầu tiên đảo Lý Sơn đón một lực lượng sinh viên đông tới như vậy cho một chương trình nhằm nâng cao ý thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhất là chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho sinh viên và thanh niên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đây cũng có thể coi là một bước đột phá để mở ra một hình thức du lịch mới hướng về đảo Lý Sơn và Hoàng Sa: Du lịch ý thức chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nói “du lịch ý thức” với nghĩa đây là hình thức du lịch mà ý thức của người đi du lịch được đặt lên hàng đầu, trước cả mục đích tham quan hay khám phá những “vẻ đẹp tiềm ẩn” của thiên nhiên và con người nơi đến du lịch.
Từ vài năm trở lại đây, cứ vào độ sau Tết cổ truyền, sóng lặng biển êm, là hàng nghìn người, trong đó đa số là thanh niên, lại chọn cho mình địa điểm du lịch là đảo Lý Sơn. Họ đến Lý Sơn từ khắp mọi miền trong nước. Có cả những Việt kiều về nước từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Chính họ là những khách du lịch ý thức đầu tiên, vì họ tìm tới Lý Sơn không phải để thưởng ngoạn phong cảnh hay hưởng thụ những dịch vụ mà du lịch mang đến. Họ tới Lý Sơn một cách tự phát, nhưng trong đầu họ, đó là hành trình du lịch tự giác: Du lịch ý thức về chủ quyền, du lịch yêu nước, du lịch tự ý thức. Bởi, từ ý thức về chủ quyền, những người tới với Lý Sơn sau khi tiếp xúc với ngư dân, sau khi thăm viếng những ngôi “mộ gió” của những "liệt sĩ" thuộc Hải đội Hoàng Sa ngày xưa, sau khi được tiếp thêm những hiểu biết mới về Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp thêm ý chí ra khơi bám biển ở những ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân Lý Sơn, những người du lịch, nhất là người trẻ, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về tình yêu Tổ quốc, về niềm tự hào đối với nhân dân mình. Đó là những nhận thức được thấm tự nhiên vào máu huyết thông qua những trải nghiệm thực tế, chứ không phải từ những bài giảng lý thuyết khô cứng nào.
Nhiều người trẻ sau những chuyến du lịch như thế đã thông qua các trang mạng xã hội kêu gọi bạn bè mình đến với Lý Sơn, và bằng nhiều hình thức ủng hộ tiếp sức cho ngư dân Lý Sơn trong hành trình đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa. Trước những hiểm nguy mà ngư dân Lý Sơn phải gánh chịu từ những hành động vũ lực gây hấn của phía Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, những người du lịch ý thức tới Lý Sơn càng thấy gắn bó với hòn đảo ngoan cường này, với ngư dân thật thà và dũng cảm nơi hòn đảo này.
Lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc những con thuyền đánh cá Lý Sơn chính là biểu tượng cao cả nhất mà những người du lịch ý thức tới đảo Lý Sơn chọn cho hành trình tự ý thức về lòng yêu nước của mình.
Vấn đề bây giờ là, những cơ quan có trách nhiệm về du lịch của tỉnh, những người có trách nhiệm của đảo Lý Sơn cần có ý thức và trách nhiệm cao về hành trình du lịch ý thức này. Và cần có những kế hoạch tổ chức cụ thể nhất, khả thi nhất để “nâng chất ý thức” cho những hành trình du lịch yêu nước ấy.
Thanh Thảo