(QNĐT)- Chiều 4/3, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ chủ trì cuộc họp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 206 điều, tăng 7 chương và 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Việc góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần tập trung tham gia ý kiến sâu về quyền của Nhà nước và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai.
Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; vấn đề tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai; việc giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại buổi họp. |
Việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề cấp thiết.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện tại chỉ có 6/13 đơn vị lập danh sách cử cán bộ tham gia tổ giúp việc UBND tỉnh. Chỉ có một Sở (Sở Tư Pháp) và một huyện có kế hoạch (huyện Sơn Tịnh) thực hiện tổ chức việc lấy ý kiến công chức, viên chức và người lao động và nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cho rằng các địa phương, sở ngành còn quá chậm trong việc triển khai lấy ý kiến nhân dân, cán bộ đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đối với sở ngành việc tổ chức lấy ý kiến cán bộ, người lao động chậm nhất trước ngày 5/4; còn đối với các địa phương thì phải hoàn thành trước ngày 31/3 này.
Tin, ảnh: M.Toàn