UBTVQH thảo luận Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

10:01, 15/01/2013
.

 


Ngày 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, và Kỳ họp thứ 13 của UBTVQH, trong đó tập trung vào vấn đề định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất và các trường hợp áp dụng giá đất.

 
Nhiều thành viên UBTVQH đã góp ý kiến về vấn đề định giá đất, định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất và các trường hợp áp dụng giá đất.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thay mặt Chính phủ trình bày những điểm chỉnh sửa mới của dự án luật sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến của UBTVQH tại Kỳ họp thứ 13.
Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, so với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này có 206 điều, trong đó bỏ 7 điều, sửa đổi 38 điều, bổ sung mới 23 điều.
 
Nhiều vấn đề được quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh; lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; quy định cụ thể về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định cụ thể hơn về định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất và các trường hợp áp dụng giá đất.
 
Theo dự án Luật, có hai phương án cho bảng giá đất, phương án một khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% so với bảng giá đất và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 60 ngày trở lên thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Bảng giá đất này sẽ là căn cứ để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai…
 
Với phương án hai, bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ, tuy nhiên không được coi là căn cứ để bồi thường khi thu hồi đất. Ở phương án này, tiền bồi thường thu hồi đất được căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể mà không được thấp hơn bảng giá đất.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giá đất, quyền sử dụng từng loại đất có những khác nhau, “năm nay có bảng giá đất, lẽ ra phải đền bù giải toả đúng tiến độ nhưng 1-2 năm sau mới đền bù giải toả thì giá đất đã khác (tăng) rồi. Do vậy, khi trả tiền đền bù thì người dân bị thiệt”.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng có 3 giai đoạn hình thành giá đất, thứ nhất là giá đất khi chưa có quy hoạch, thứ hai là khi đưa vào quy hoạch thì giá tăng, và thứ ba là khi đầu tư xong thì giá đất lại khác (tiếp tục tăng), còn chưa kể giá thay đổi theo thời gian.
 
“Vậy lấy thời điểm nào làm thời điểm căn cứ để định giá Nhà nước thu hồi đất? Rồi chưa kể thu hồi, đền bù chậm (khiến trượt giá đất)?”, ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi và lo ngại khiếu kiện của người dân vẫn còn khi vấn đề định định giá đất chưa sát, chưa thoả mãn được nhu cầu của người dân.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu quy định chi tiết hơn về giá đất cũng như nhiều nội dung khác của dự án luật.
 
Tại phiên thảo luận, UBTVQH đã quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong nước góp ý vào dự án. Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự án Luật này là 2 tháng, từ ngày 1/2 đến hết ngày 31/3.
 
Để đảm bảo tiến độ Quốc hội thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 (khai mạc vào tháng 5/2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương trong tiếp thu, chỉnh sửa dự án luật nhưng phải đảm bảo thận trọng.
 
 
Thành Chung/VGP

.