Suất đầu tư mỗi km đường cao tốc 4 làn xe ở đồng bằng miền Bắc và miền Trung là 10 triệu USD; đồng bằng Nam Bộ 17,2 triệu USD. Cá biệt, tuyến Bến Lức - Long Thành lên tới 28 triệu USD.
Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam. Từ năm 2005, Việt Nam bắt đầu triển khai một số dự án cao tốc, hiện đã đưa vào khai thác khoảng 150 km, như tuyến TP HCM - Trung Lương, Láng - Hòa Lạc, Cầu Giẽ - Ninh Bình; Vành đai III - Hà Nội với quy mô 4-6 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp.
Từ nay đến năm 2015, dự kiến cả nước có thêm 600 km đường cao tốc. Một số dự án đang triển khai như Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án chuẩn bị triển khai gồm: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm quý II/2012, suất đầu tư xây dựng mỗi km đường cao tốc 4 làn xe ở khu vực miền núi, trung du phía Bắc là 7,4 triệu USD; đồng bằng Bắc Bộ 10,6 triệu USD/km; miền Trung và Nam Trung Bộ là 10,5 triệu USD/km; đồng bằng Nam Bộ 17,2 triệu USD/km. Cá biệt, những tuyến đi qua vùng có địa hình, địa chất đặc biệt như Bến Lức - Long Thành thì suất đầu tư là 28,2 triệu USD.
Đường cao tốc giúp nâng cao chất lượng vận tải, rút ngắn thời gian lưu thông của phương tiện. Ảnh: Đoàn Loan |
Bộ Xây dựng đã khảo sát tại một số tuyến cho thấy, mỗi km đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có suất đầu tư là 7,9 triệu USD/km; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có giá 4,2 triệu USD; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là 8,2 triệu USD; cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là 10 triệu USD; cao tốc Bến Lức - Long Thành là 28,2 triệu USD.
So sánh với các nước trong khu vực như cao tốc Thanh Hải - Lan Châu - Thiểm Tây (Trung Quốc) đi qua nhiều vùng đồi núi có vốn đầu tư khoảng 7,6 triệu USD/km. Tại Hàn Quốc, tuyến nối số 2 tại Busan - Hàn Quốc là 19 triệu USD.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù các tuyến đường đều là vùng đồi, núi và trung du, nhưng có suất chi phí xây dựng rất khác nhau, chưa tính đến chi phí khác như quản lý dự án, tư vấn, giải phóng mặt bằng... và phụ thuộc rất nhiều vào tỷ trọng chiều dài cầu, hầm trên tuyến.
Đối với tuyến có nhiều sông ngòi thì dự án phải xử lý nền đất yếu với khối lượng lớn, suất chi phí xây dựng sẽ cao hơn nhiều so với tuyến có tỷ trọng cầu, hầm và xử lý nền đất yếu với khối lượng nhỏ.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân làm chi phí đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam cao là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cao, việc tổ chức thực hiện thường chậm trễ làm chậm tiến độ và tăng chi phí. Thời gian xây dựng dự án kéo dài do giải phóng mặt bằng, thiếu vốn... làm tăng chi phí đầu tư bởi trượt giá, biến động giá.
Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý quy hoạch đường cao tốc; quản lý chặt quỹ đất xây dựng đường, tránh tăng khối lượng giải phóng mặt bằng khi triển khai và gắn trách nhiệm của UBND các tỉnh thành với tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
Đoàn Loan/VnExpress