(QNg)- Ban tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập “kỷ lục” cho bốn sản phẩm được coi như đặc sản của Quảng Ngãi, gồm cá bống sông Trà, don, kẹo gương và quế Trà Bồng. Bốn sản phẩm trên đã quá quen thuộc với người dân miền Ấn-Trà lâu nay. Vì vậy, việc xác lập kỷ lục Việt Nam như là sự khẳng định thêm về các loại sản phẩm này đã “có số có má” lâu nay vậy.
Ba loại đặc sản kia, sẽ bàn vào một dịp khác, còn bây giờ, xin được nói về con cá bống. Cá bống thì dòng sông nào cũng có, thậm chí đã đi vào chuyện cổ tích “bống bống bang bang” rồi, nhưng chắc chắn rằng, chỉ có cá bống trên dòng sông Trà thì mới thơm ngon và đặc biệt nhất. Có một nhà văn quê Quảng Ngãi tả cái ngon của con cá bống sông Trà bằng câu chuyện rất ấn tượng. Nhà ông ở gần sông, lại cạnh hương lộ dẫn đến một cái chợ quê. Buổi sáng ông thường nghe mấy chị đi chợ kháo nhau rằng, mùi cá bống của một nhà ai đó thoảng bay làm cho mấy chị thèm đến mức muốn quẳng cả gánh gồng, nhảy bổ vào buồng của nhà ấy, đẻ một phát để được ăn miếng cá bống! Đẻ thì đau khỏi phải nói rồi, “đau như đau đẻ” mà, nhưng cá bống nó ngon đến mức, chấp nhận cái đau của bà đẻ để được thưởng thức mùi vị của nó. Chả là ngày xưa, cá bống thường ưu tiên cho các bà đẻ, nó vừa ngon nhưng lại vừa lành. Tả cái ngon của con cá bống như thế, là quá giỏi!
Sở dĩ con cá bống sông Trà nó đặc biệt như thế là do nó sống trên cát, ăn toàn rong tảo và chỉ bé bằng đầu đũa chứ không to như ngón chân cái mà ta vẫn thấy ở những dòng sông khác. Mùa mưa, cá bống thường di cư lên các lạch nước trong, để khi nước lũ rút, chúng lại trở về với dòng sông quen thuộc của mình. Loài cá này cũng rất “ham vui”, chính vì biết được “tử huyệt” ấy nên cư dân ven sông thường đặt bẫy bằng ống tre dọc sông Trà để “nhử” chúng vào. Thấy ống tre có vẻ kín đáo và mát mẻ, cá bống chui vào đó để trú ngụ và tự tình. Nào ngờ, ngôi nhà bằng ống tre nọ cứ ngỡ là chốn thiên đường, lại trở thành “mồ chôn” của chúng.
Lâu nay, người Quảng Ngãi vào Nam ra Bắc, quà mang theo thường là vài lọ cá bống. Nó đắt đến mức, có người ví lọ cá bống là “thuốc” chứ không phải cá nữa. Vậy nên mới gọi là “quà”, dĩ nhiên là quà cho bạn bè thân hữu chứ không phải “quà ngoại giao” trong các phi vụ làm ăn của các nhà doanh nghiệp.
Sau khi nghe công bố xác lập “kỷ lục Việt Nam”, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho ngành văn hóa và các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng trong người dân cũng như tích cực quảng bá thương hiệu trong khách du lịch. Có lẽ động thái này không thừa nhưng nếu dành sự quan tâm ấy cho việc “nhắc nhở” các quán cơm dọc đường không nên “độn” cá thài bai vào cá bống thì vẫn thiết thực hơn. Việc “lập lờ” cá-bống-thài-bai ấy có thể mang lại một chút lợi nhuận nào đó cho các chủ quán nhưng lâu ngày sẽ đánh mất hương vị đặc trưng của loài cá từng gắn bó bao đời nay đối với người dân Quảng Ngãi.
Trần Đăng