Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư, có hiệu lực thi hành từ ngày 25-1-2013.
Theo đó, kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ NN-PTNT, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, kiểm ngư có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp. Kiểm ngư cũng có nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên vùng biển theo quy định của pháp luật.
Cục Kiểm ngư có các chi cục kiểm ngư vùng, các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp. Tàu kiểm ngư là tàu công vụ của cơ quan kiểm ngư, phục vụ nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ trên biển; hỗ trợ ngư dân; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển và các nhiệm vụ khác của kiểm ngư.
Nghị định nêu rõ, kiểm ngư viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật. Thuyền viên tàu kiểm ngư được hưởng chế độ lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, các chế độ bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Theo L. NGUYÊN/SGGPO