Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới là công tác tuyên truyền để thống nhất nhận thức về xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Tại cuộc họp chiều 8/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhiều ý kiến cho rằng những nhận thức không đúng về chương trình vẫn tương đối phổ biến.
Vẫn còn nhận thức không đúng
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, trước đây, nhận thức tương đối phổ biến về chương trình xây dựng nông thôn mới là một dạng chương trình, dự án đầu tư của nhà nước. Do vậy, nhiều địa phương có tâm thế chờ đợi, xây dựng quy hoạch “hoành tráng” không phù hợp với điều kiện thực tế.
Một nhận thức cũng tương đối phổ biến nhưng không chính xác là coi chương trình như một cuộc thi đua, dẫn đến việc chạy theo thành tích, huy động đóng góp của người dân quá cao so với khả năng.
Số xã mà các địa phương đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015, qua thực tế, cũng là quá cao so với khả năng thực hiện. Trong tổng số 2.377 xã đăng ký, đến nay chỉ có 9 xã đạt 18 tiêu chí (0,1%); 0,4% số xã đạt từ 16-18 tiêu chí; 1% số xã đạt từ 13-15 tiêu chí; 11% số xã đạt từ 10-12 tiêu chí (cả nước có 9.084 xã). Nhiều tỉnh thuộc diện khó khăn, phần lớn các xã mới đạt 4-5 tiêu chí, nguồn lực huy động hạn chế nhưng cũng đăng ký phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015 với tỷ lệ rất cao.
Trong khi đó, cơ cấu vốn đầu tư cho chương trình được phân bổ theo công thức 4 – 3 – 2- 1, tức là nhà nước chi 40%; vốn tín dụng chiếm 30%; đóng góp của doanh nghiệp, xã hội chiếm 20%. Người dân chỉ đóng góp 10% tổng chi phí, trong đó chủ yếu là công sức lao động.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương nêu một nhận thức “sai” nữa về chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở cho rằng không có tiền của ngân sách nhà nước không thể triển khai được.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có nhiều nội dung không cần nhiều tiền, không cần chờ Trung ương hỗ trợ mà vẫn triển khai thực hiện ngay được, chẳng hạn như các tiêu chí về đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường…
“Phải làm thay đổi căn bản nhận thức này. Chưa cần chờ Chính phủ đầu tư địa phương vẫn có thể làm được ngay, làm được nhiều việc nếu quyết tâm thực hiện. Một tỉnh nghèo như Tuyên Quang chỉ trong 1 năm rưỡi làm được hơn 1.000 km đường nông thôn bằng bê tông, đạt chuẩn chất lượng, nhưng chỉ từ sự chủ động trong chính sách của địa phương”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Đồng tình với Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ - Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương cho biết nhiều người hiểu rằng xây dựng nông thôn mới là bằng mọi giá phải thực hiện đủ 19 tiêu chí để được công nhận danh hiệu, trong khi đó việc thay đổi căn bản đời sống, phát triển sản xuất của người dân mới là quan trọng, dù tiêu chí có khoa học, chi tiết đến mấy.
Bên cạnh đó, còn có cách hiểu “hơi cứng” về tiêu chí. “Làm con đường ra đồng rất đẹp, tốn kém nhưng chỉ để phục vụ thu hoạch 1 vụ lúa thì quá lãng phí. Lãnh đạo cơ sở cần rất cân nhắc khi quyết định lựa chọn làm việc gì trước, việc gì sau”, nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, địa phương không nhất thiết phải tập trung ngay vào làm hạ tầng, quan trọng hơn là tổ chức bộ máy chính trị, thay đổi, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân; không phải chỉ tập trung xây dựng công trình lớn, “hoành tráng” ở cấp xã.
Tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm
Thực tế thời gian qua, để thay đổi nhận thức về chương trình, nhiều Bộ, ngành đã xây dựng được một số chuyên trang trên cổng thông tin điện tử, báo in, truyền hình; biên tập và phát sóng hàng chục ngàn tin, bài nhằm kịp thời phổ biến chủ trương, chính sách mới để thực hiện chương trình, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Các địa phương đã tổ chức 70 ngàn hội nghị, dựng gần 800 ngàn pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng cuộc vận động “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hầu hết các Bộ, ngành và tất cả các tỉnh, thành phố đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ bằng kinh phí, vật tư cho chương trình. Nhiều người dân đã hiến đất, đóng góp công sức để chỉnh trang, nâng cấp giao thông nông thôn, tu sửa nơi ở và các công trình công cộng…
Từ sự thay đổi nhận thức, cùng với những giải pháp triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ của tất cả các bộ, ngành trung ương, các địa phương, sau hai năm thực hiện, một số xã đã cơ bản đạt nông thôn mới theo 19 tiêu chí.
Ngoài 11 xã điểm do Ban Bí thư chỉ đạo trong giai đoạn thí điểm nay đã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, còn có thêm 32 xã đạt từ 16-18 tiêu chí, 950 xã trên cả nước đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho chương trình 3.265,8 tỷ đồng, riêng trong năm 2012 là 1.675,8 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2011. Ngân sách địa phương đã bố trí 14.080 tỷ đồng, chủ yếu là ở các địa phương tự tụ́c ngân sách hoặc có nguồn thu lớn. Nhiều tỉnh còn khó khăn cũng đã ưu tiên bố trí vốn cho chương trình.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, nhiệm vụ tuyên truyền để thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân là nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.
“Công tác tuyên truyền cần tạo ra sự lan tỏa, thống nhất từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thôn, bản và mỗi người dân. Cần tổng kết, đánh giá để rút ra được những mô hình, những cách làm hay, những gương điển hình để từ đó phát triển, nhân rộng” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo cần hướng dẫn, kiểm tra, rà soát uốn nắn về quy hoạch, kể cả đối với những quy hoạch đã được phê duyệt. Trong việc xây dựng và phê duyệt đề án của từng địa phương, cần có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện một cách phù hợp.
Đối với bộ tiêu chí và các cơ chế chính sách liên quan, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung xây dựng, hoàn thiện trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị rà soát lại để phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn tín dụng, kêu gọi các tổ chức tín dụng ưu tiên dành nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới.
Về huy động nguồn lực, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gợi ý nên tiến hành xem xét một cách tổng thể từ nay đến năm 2015 để có phương án phân bổ, huy động phù hợp, kể cả từ ngân sách trung ương và địa phương cũng như từ các nguồn bổ sung.
Theo Xuân Tuyến/Chinhphu.vn