Nhà 167

06:11, 26/11/2012
.

(QNg)- Báo cáo với Phó Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng Lương Văn Mạnh trong đợt kiểm tra tình hình thực hiện chương trình 30a của Chính phủ mới đây tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành 10.232 nhà cho hộ nghèo ở 6 huyện miền núi.

TIN LIÊN QUAN


Riêng trong năm 2012, tỉnh đã phân khai kinh phí để tiếp tục đầu tư xây dựng 6.527 nhà cho 6 huyện nghèo nói trên. Từ nhiều năm qua, hàng ngàn gia đình nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số đã có cơ may thoát được cảnh sống tạm bợ trong những căn nhà tồi tàn mà họ đã phải chịu đựng hết đời này sang đời khác là nhờ có chương trình 167 của Chính phủ. Đây là một nỗ lực rất lớn của Nhà nước giữa lúc kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng nhưng vẫn dành một khoản ngân sách đáng kể để chăm lo cho người nghèo.

Chương trình 167 hỗ trợ nhà cho người nghèo như một cứu cánh để giúp họ thoát khỏi cảnh tồi tàn từ những căn nhà cũ nát. Thực tế cho thấy, với mức hỗ trợ trên 7 triệu, người dân được phép khai thác gỗ tại chỗ, nhiều ngôi nhà 167 ở Sơn Tây, Ba Tơ trông khá khang trang, thoáng mát. Nhà 167 của đồng bào Cà Dong dọc đường Đông Trường Sơn là một ví dụ. Nhờ còn một ít rừng với nhiều loại gỗ tốt, đồng bào đã khai thác để làm những nếp nhà sàn trông rất bắt mắt.

Thực tế cho thấy, nhà nào biết “thêm vào” số tiền Nhà nước hỗ trợ bằng công sức của mình qua việc khai thác gỗ (trong khuôn khổ cho phép) thì nhà ấy khang trang, còn nhà nào chỉ dựa hoàn toàn vào số tiền ít ỏi đó thì rất tạm bợ. Không một ngôi nhà nào, dù là đơn giản nhất mà có thể làm được bằng khoản kinh phí trên 7 triệu đồng như hiện nay cả. Bởi vậy nên Nhà nước đã cho phép người dân tự khai thác gỗ tại chỗ để “thêm vào”.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng biết “thêm vào” số tiền Nhà nước hỗ trợ để mình có ngôi nhà khang trang mà nhiều gia đình chỉ biết “Nhà nước cho bao nhiêu, mình làm bấy nhiêu” nên rất nhếch nhác. Đây là điều mà các cấp chính quyền ở cơ sở phải hết sức lưu ý trong việc chỉ đạo, điều hành việc làm nhà cho dân. Lại cũng có một số trường hợp, nhà vẫn còn thơm mùi gỗ mới, ở chưa ấm chỗ, chủ nhân đã vội bán số gỗ được phép khai thác ấy để kiếm lời! Đây là việc làm cần được xử lý nghiêm khắc vì việc cho phép khai thác gỗ là để hỗ trợ xây nhà chứ không phải “gỗ của nhà tôi, tôi có quyền bán” như lý sự của một số người.

Hàng ngàn người đã có nhà từ Chương trình 167, hàng ngàn gia đình khác vẫn đang chờ tiền từ chương trình này. Số nhà tạm hiện nay rồi sẽ được xóa. Tuy nhiên, nếu không biết cách “xóa” như đã nói trên đây sẽ dễ dẫn đến tình trạng quay lại nhà tạm. Ngân sách không thể kham nổi với vòng luẩn quẩn ấy được.


  Trần Đăng
 


.