(QNg)- Có một dự án cải cách mà cứ nói mãi chứ không thấy “cải” mà cũng chẳng thấy “cách”, đó là dự án cải cách giáo dục. Đã có biết bao chuyên gia, GS đầu ngành, những nhà giáo tâm huyết đã dành cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, những cựu quan chức của ngành giáo dục - từ Bộ trưởng trở xuống phát biểu về vấn đề này, những phát biểu rất thẳng thắn, có hàm lượng chất xám cao, có thể khả thi (và cả không khả thi). Nhưng tất cả chỉ là… nói, không thể làm.
Vì một lẽ đơn giản: Những người nói thì không thể làm do không có quyền và trách nhiệm làm, còn những người có thể làm thì… không nói. Nghĩa là không biết họ có thể làm hay không, có muốn làm hay không. Cứ như thế, con thuyền giáo dục vẫn trôi… tự do, như bao nhiêu năm nay vẫn vậy, và chẳng có gì thay đổi.
Bây giờ thì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 đang họp đã đề cập rất mạnh mẽ tới yêu cầu khẩn thiết phải cải cách giáo dục. Có thể tới lần này, thì những người đang nắm quyền ở Bộ giáo dục-những người lâu nay không hề nói, sẽ… làm chăng? Nhưng chỉ mới nghe một đề xuất, là cắt ngắn chương trình học phổ thông, từ 12 năm xuống còn 11 năm.
Về đề xuất này, GS Lâm Quang Thiệp có ý kiến như sau:
"Vấn đề không phải chỉ nằm ở 11 hay 12 năm học phổ thông mà là thiết kế chương trình. Nếu cả hệ thống GD phổ thông và đại học (ĐH) mà để 12 năm+4 năm thì quả là quá dài. Nếu tính chung, bớt được 1 năm thì rất tốt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cắt phắt đi một năm ở bậc này hay bậc kia mà là giữa phổ thông và ĐH phải được thiết kế lại một cách hài hòa. Chẳng hạn, nếu bớt đi 1 năm ở phổ thông thì chương trình ĐH phải được thiết kế lại. Ví dụ, ở Mỹ, trong 4 năm sinh viên học ĐH thì 2 năm dành cho kiến thức phổ quát và 2 năm sau dành cho kiến thức nghề nghiệp. Hai năm đào tạo đầu ở Mỹ rất quan trọng, tạo nên mặt bằng kiến thức để học ĐH".
"Tôi ủng hộ rút ngắn thời gian học tập. Học sinh phổ thông của ta đang học quá sâu, quá nặng, cứ như là đào tạo để học sinh ra thành chuyên gia, thành ra mất cả tính phổ thông và chúng ta đã nhồi nhét kiến thức chứ không rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Bớt thời gian học tập nhưng phải thay đổi chương trình và cách học thì việc học tập sẽ hiệu quả hơn. Đây là việc khó và lâu dài" - GS Lâm Quang Thiệp nói.
Đó là ý kiến của chuyên gia, những người chỉ có thể… nói, chứ không thể trực tiếp làm vì không phải lãnh đạo ngành giáo dục. Còn ý kiến của quan chức Bộ GD&ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục, thì mới chỉ nghe họ tính nhanh ra "dự án" này sẽ tốn bao nhiêu nghìn tỉ đồng, chứ chưa nghe nói đến tính hợp lý và hiệu quả.
Cải cách giáo dục, khó lắm thay!
Thanh Thảo