(QNĐT)- Chiều 4/9, đồng chí Lê Viết Chữ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi họp khẩn cấp để bàn về cách đối phó với tình hình dịch Cúm gia cầm đang diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Kể từ ngày ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện và tiêu hủy (ngày 9/8) tại xã Hành Đức, Nghĩa Hành đến ngày 3/9, dịch cúm đã xảy ra ở 29 thôn thuộc 22 xã tại 6 huyện: Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và TP. Quảng Ngãi. Có 72.916 con vịt bị chết và tiêu huỷ. Trong đó, chết trước tiêu hủy là 22.360 con, số tiêu hủy bắt buộc là 50.556 con.
Nguyên nhân xảy ra dịch và tình trạng lây lan rộng như hiện tại là do vi rút cúm gia cầm vẫn tồn tại và lan truyền trong môi trường. Số vịt bị mắc phải vi rút H5N1 vừa qua vẫn chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm.
Đến ngày 3/9, có 72.916 con vịt bị chết và tiêu hủy do mắc cúm gia cầm |
Ngoài ra, trước vụ thu hoạch hè thu 2012, số lượng vịt thả đồng tăng. Trong khi đó công tác quản lý, giám sát dịch bệnh và công tác quản lý ấp trứng tại các địa phương chưa được thực hiện chặt chẽ. Nhận thức của người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm còn hạn chế, khi gia cầm bị bệnh không khai báo kịp thời mà tự mua thuốc điều trị dẫn đến dịch có điều kiện phát tán, lây lan.
Khi phát hiện dịch cúm gia cầm, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Cơ quan Thú y Vùng IV lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh, tổ chức khống chế ổ dịch và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sẵn sàng chống dịch. Sở NN&PTNT đã phân bổ khẩn cấp 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho 7 huyện, thành phố để triển khai ngay các biện pháp tiêm phòng chống dịch. Đến nay, huyện Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi đã hoàn thành tiêm phòng cho số gà, vịt tại địa phương.
Công tác tiêu độc khử trùng là biện pháp được tiến hành song song với các hoạt động chống dịch. Sở NN&PTNT đã phân bổ 2.500 lít Iodine để 7 huyện, thành phố đồng bằng tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực ổ dịch, khu vực chung quanh các nơi xảy ra dịch. Điểm tiêm phòng cúm gia cầm được tập trung, lò ấp trứng gia cầm, chợ, hố chôn tiêu hủy gia cầm… trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo quy định.
Bên cạnh đó, một số biện pháp chống dịch khác cũng được tiến hành một cách chặt chẽ như: Quản lý, giám sát công tác giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm trong địa bàn tỉnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng trị, chăm sóc gia cầm. Tăng cường cung cấp thức ăn bổ sung để nâng cao sức chống đỡ bệnh tật, tăng cường công tác quản lý hành nghề thú y ở địa phương…
Quang cảnh buổi họp |
Tại buổi họp, đại diện Sở NN&PTNT cũng như lãnh đạo các huyện, thành phố kiến nghị tỉnh và cấp trên cần hỗ trợ thêm vắc xin và hóa chất khử trùng để phục vụ cho công tác phòng chống và kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Theo Cục Thú y tỉnh, cần phải mua thêm 1 triệu liều vắc xin phòng bệnh nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng cho đàn gia cầm trong tỉnh. Đồng thời, cần điều chỉnh tăng mức hỗ trợ tài chính cho các hộ dân có đàn vịt, gà mắc cúm cần tiêu hủy…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, đồng chí Lê Viết Chữ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong đó, ưu tiên công tác tiêu trùng, khử độc, vệ sinh chuồng trại và khoanh vùng ổ dịch để hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần xem xét, rà soát lại công tác tiêm phòng vắc xin sao cho hiệu quả, phát huy tác dụng và không gây lãng phí tiền của nhân dân và nhà nước. Các sở, ngành và địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng chống bệnh cũng như thời gian phù hợp để tiêm phòng đạt hiệu quả.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT và lãnh đạo các địa phương cần rà soát và đưa ra con số cụ thể về số liều vắc xin và khối lượng hóa chất cần thiết để khống chế dịch bệnh. Từ đó, nắm thế chủ động triển khai các biện pháp ngay khi có vắc xin và hóa chất bổ sung trong thời gian sắp tới…
Thanh Phương