(QNg)- Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức phát động và hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ ngày 29/4 đến ngày 6/5/2012 và duy trì các hoạt động đến ngày Môi trường thế giới 5/6/2012, với chủ đề “Nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới”. Có lẽ trước khi phát động và thực hiện các yêu cầu của UBND tỉnh, các địa phương cũng nên rà soát lại thực trạng nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn mình để rồi “hưởng ứng” sao cho đỡ phản cảm!
Gần 20 năm qua, Nhà nước đã đầu tư không biết bao nhiêu tỷ đồng để cho người dân được sử dụng nguồn nước sạch thông qua các dự án, chương trình nước sinh hoạt nông thôn. Ấy thế nhưng, hàng ngàn gia đình vẫn chịu cảnh “khát nước” hoặc buộc phải sử dụng nước bẩn ngay trên cái công trình bạc tỷ ấy. Chưa có con số thống kê cụ thể về việc có bao nhiêu công trình nước sạch mà Nhà nước đã đầu tư trong những năm qua, hiện đã “đóng băng”, nhưng điều này thì chắn chắn ai cũng biết: Chúng ta đã ném rất nhiều tiền qua “cửa sổ lãng phí” này mà không thấy một đơn vị nào chịu trách nhiệm cả. Kẻ thì đổ thừa dân không chịu đóng tiền điện để bơm nước, người thì đổ lỗi dân không biết bảo vệ để công trình xuống cấp. Cuối cùng là “huề cả làng”, trong khi người dân thì không có nước sạch để dùng mà tiền tỷ thì trôi ra sông ra biển.
Nếu nước bị ô nhiễm là cái khó nhìn thấy thì rác là thứ dễ đập vào mắt ta nhất. Bây giờ đi về vùng nông thôn, cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mặt chúng ta là những bãi rác bằng túi ni lông đủ các màu sắc được giăng mắc khắp nơi. Mà cũng chả cần phải đi về vùng quê xa xôi thì mới thấy, chỉ cần đi dọc bờ bắc sông Trà, đường lên Đông Dương thôi thì sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh này. Bãi soi của làng Đông Dương trước đây giờ thành khu dân cư khá nhộn nhịp nhưng kèm theo sự vui nhộn ấy là cảnh rác tràn cả ra đường. Không biết khu dân cư này được công nhận là “thôn văn hóa” chưa? Nếu đã lỡ công nhận rồi thì chính quyền địa phương và ngành văn hóa cũng nên xem lại cái cách mà người dân trong khu văn hóa ấy ứng xử với môi trường như thế nào. Đây là con đường với lượng người qua lại rất đông, cả những du khách từ phương xa đến, ghé nhà hàng Đông Dương ăn uống, nhìn núi rác thế này, thật quá xấu hổ cho một làng quê nức tiếng trù phú với cảnh sông nước hữu tình.
Vì những lẽ trên đây, trước khi hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương cũng nên “xem lại” bãi rác và giếng nước của làng mình trước khi giăng băng rôn khẩu hiệu.
Trần Đăng