Mới cho nông thôn mới

08:05, 14/05/2012
.

(QNg)- Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch thực hiện, kiện toàn bộ máy tổ chức, khảo sát thực trạng, lập quy hoạch chung cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, tập huấn triển khai chương trình…

Cụ thể, đến cuối tháng 4/2012 toàn tỉnh có 60/164 xã có quy hoạch và 14/164 xã có đề án được phê duyệt. Chỉ tiêu của tỉnh trong năm 2012 này là phải hoàn thành quy hoạch chung và lập xong đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã. Thời gian không còn bao lâu nữa, nhưng nhìn vào tỷ lệ số xã chưa triển khai hai chỉ tiêu trên đây, đủ thấy những khó khăn mà các địa phương sẽ phải đối mặt.

Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm hiện nay trong Chương trình xây dựng nông thôn mới không phải chỉ là những đề án hay quy hoạch mang tính "đối phó", làm cho lấy có của các xã mà cần phải đi vào thực chất vấn đề. Chỉ xét ở khía cạnh văn hóa cưới xin thôi cũng đã thấy bao nhiêu chuyện cần phải xem xét, cân nhắc để làm sao đó vừa văn minh, hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét đẹp ngàn xưa mà ông bà mình truyền lại cho con cháu. Ngày trước ở nông thôn không có điện, dĩ nhiên là không có loa cùng hệ thống tăng âm và giàn karaoke như bây giờ, nhưng có ai bảo đám cưới ngày xưa tẻ nhạt nào? Bây giờ, đi ăn cưới ở quê, người già rất ngại khi phải tới dự đám trong tiếng loa đinh tai nhức óc với đủ các kiểu hát, từ nhà gái cho đến nhà trai, thi nhau hát không ngừng nghỉ, hát quên cả ăn luôn.

 Lạ là, đa số đều cảm thấy ê ẩm cho cái kiểu đám cưới "tra tấn" này nhưng rồi hễ cưới vợ gả chồng cho con, lại hát hò đinh tai nhức óc. Nhiều gia đình có thể bỏ ra vài triệu để "chơi" thâu đêm với đủ kiểu nhậu nhẹt hát hò nhưng bảo đóng góp 500 ngàn đồng để làm đường bê tông, đi lại cho sạch sẽ thì lại… trốn. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới thì cũng cần phải "mới" trong cách nghĩ, cách làm chứ không phải nói suông được. Tính cộng đồng là rất quan trọng, nó làm "xương sống" để toàn bộ cơ thể nông thôn hoạt động có hiệu quả nhất.

Xây dựng nông thôn mới, không chỉ đơn thuần là làm con đường, xây cái trường, hay trạm xá hoặc nhà văn hóa cộng đồng; dĩ nhiên  những cái đó phải có, nhưng cái mà không thể sờ nắn được nhưng phải "mới" thì nông thôn mới có thể "mới" lên được, đó là ý thức "vì cộng đồng" của mỗi thành viên trong cái cộng đồng mà mình đang sống. Thành công hay thất bại cũng sẽ bắt đầu từ chuyện ý thức đó.

 TRẦN ĐĂNG
 


.