Lý Sơn nên học Cù lao Chàm

09:05, 04/05/2012
.

(QNg)- Theo thông tin trên các báo, chỉ trong dịp lễ 30/4 và 1/5  đã có hàng ngàn du khách ra đảo Lý Sơn. Nhưng ai cũng biết, hiện đảo Lý Sơn vẫn còn quá thiếu thốn những dịch vụ dành cho khách du lịch, từ nhà ở tới các hoạt động vui chơi, thăm viếng có hướng dẫn, từ vệ sinh môi trường tới những nếp sinh hoạt văn minh hợp thời.

TIN LIÊN QUAN


Có một hòn đảo của Hội An-Quảng Nam đã trở thành một điểm du lịch lý thú cho du khách nội địa và du khách quốc tế, đó là Cù lao Chàm.

Một vịnh nhỏ ở Cù Lao Chàm. Ảnh Internet
Một vịnh nhỏ ở Cù Lao Chàm. Ảnh Internet


Cách đây 10 năm, Cù lao Chàm cũng không khác gì Lý Sơn về sự thiếu thốn các dịch vụ phục vụ du lịch cũng như tình trạng mất vệ sinh trên đảo. Nhưng chính quyền Hội An khi đó, trực tiếp là Chủ tịch UBND thị xã Hội An Nguyễn Sự đã kiên nhẫn và kiên quyết trong việc biến Cù lao Chàm thành hòn đảo du lịch văn hóa và văn minh.

Việc đầu tiên, chính quyền Hội An cấp cho mỗi hộ dân trên đảo 5 triệu đồng-thời điểm ấy 5 triệu đồng là món tiền khá lớn-để mỗi hộ dân xây nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, khép kín trong nhà mình. Và, sau khi xây xong nhà vệ sinh, việc chính quyền yêu cầu dân Cù lao Chàm phải làm là… đi vệ sinh trong "toa-lét" của nhà mình.  Việc đó đã tạo nên một thói quen hết sức mới mẻ và dĩ nhiên, văn minh, trong cộng đồng dân cư Cù lao Chàm. Bởi trước đây, dân cư ở đây có thói quen mỗi sáng đi vệ sinh ngoài…bãi biển.

Đảo Lý Sơn cũng có tình trạng vệ sinh giống hệt Cù lao Chàm 10 năm trước, nhưng tới bây giờ, tình trạng ấy vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu, do chưa có một "cú hích vệ sinh" nào từ chính quyền. Cù lao Chàm thuộc Hội An, còn Lý Sơn lớn hơn, là huyện đảo trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Để phục vụ du lịch thì phải có khách sạn hay nhà nghỉ. Nhưng có một hình thức du lịch phù hợp hơn với những hòn đảo như Cù lao Chàm hay Lý Sơn, đó là " nghỉ tại nhà dân"(homestay). Cù lao Chàm đã tổ chức rất tốt những dạng "nhà nghỉ trong dân" này, trong khi Lý Sơn thì chưa có. Vì muốn tổ chức những"khách sạn tại nhà dân" như thế, rất cần có những cơ chế và hành lang để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ này, nhằm giải quyết chỗ nghỉ cho du khách và mang lại thu nhập cho dân trên đảo.

Việc phát động trồng cây trên đảo cũng là việc mà Cù lao Chàm đã làm rất tốt, khiến bây giờ hòn đảo thực sự là một "thiên đường xanh".

Cùng với việc trồng cây, là việc tạo thói quen giữ vệ sinh công cộng trên đảo, và Cù lao Chàm bây giờ đã là nơi đầu tiên ở Việt Nam "nói không với túi ni-lông".

Chuyện đánh cá bằng chất nổ trên biển quanh Cù lao Chàm đã bị nghiêm cấm từ hơn 10 năm trước, và điều đó đã khiến sinh thái biển của Cù lao Chàm trở nên an toàn và làm phong phú thảm động thực vật biển quanh đảo.

Những điều ấy Lý Sơn đều có thể học tập và làm được nếu muốn biến hòn đảo của mình thành "thiên đường du lịch".

Những hoạt động tạo nền cho du lịch như thế là bắt buộc phải có đối với bất cứ điểm du lịch nào, nhất là với những nơi cách biệt với đất liền như Cù lao Chàm hay đảo Lý Sơn.

Ai cũng biết, năm 2011 đảo Jeju-Hàn Quốc đón hơn 8 triệu lượt khách du lịch, trong khi toàn Việt Nam năm 2011 đón 6 triệu lượt khách/năm.

Vì sao Jeju thực sự trở thành một đảo "thiên đường du lịch" của thế giới thì chúng ta đã biết. Nhưng, chỉ cần có những bước đi tạo nền căn cơ như Cù lao Chàm, chắc chắn đảo Lý Sơn sẽ đón lượng khách du lịch hàng năm tăng đột biến.


Thanh Thảo
 


.