(QNg)- Nằm trong kế hoạch di dời dân trong các vùng nguy cơ sạt lở núi và phân bố lại dân cư, những năm qua, tại các huyện miền núi Quảng Ngãi đã tổ chức di dời tái định cư cho hàng ngàn hộ dân. Có khu tái định cư do Chi cục hợp tác xã và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư; có khu tái định cư giao về cho huyện trực tiếp làm chủ đầu tư, nhưng nhìn chung ở hầu hết các khu tái định cư còn bộc lộ nhiều điều chưa hợp lý.
Là khu tái định cư cho bà con nông dân miền núi, nhưng bình quân mỗi hộ chỉ được cấp 200 m2 đất và bố trí ở san sát với nhau như cái cách mà chúng ta vẫn thường thấy ở các đô thị. Trên thực tế thì từ xưa đến giờ, bà con các dân tộc thiểu số miền núi quen sống, sinh hoạt ở nơi rộng rãi hơn rất nhiều. Với diện tích 200 m2, làm nhà ở chơi thì được, nhưng đưa bà con vào ở ổn định lâu dài thì không thể. Bởi vì chưa cần nói đến nhu cầu làm ăn sinh sống, mỗi gia đình chỉ cần làm vài cái chuồng gia súc (trâu, bò, heo), nuôi gia cầm và một số công trình phụ khác, thì hạ tầng sẽ bị quá tải, nhếch nhác, sẽ mất vệ sinh vô cùng.
Ngoài ra có thể liệt kê hàng loạt những bất hợp lý khác, như có khu tái định cư ngay sau khi đưa vào sử dụng, vì mặt bằng trũng hơn mặt đường xung quanh, nên chỉ qua một cơn mưa vừa đã biến thành vũng nước đọng, sình lầy; có khu tái định cư đưa dân vào ở từ lâu, nhưng hạ tầng thiết yếu như điện, nhất là nước sinh hoạt vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ; và hàng loạt những vấn đề khác, như khu tái định cư chưa gắn với nơi sản xuất đảm bảo cuộc sống, chưa phù hợp với phong tục tập quán dân làng...
Chính vì còn quá nhiều điều chưa hợp lý như vậy, nên tình hình khá phổ biến ở các khu tái định cư là sau thời gian đưa vào sử dụng đã không đủ sức hấp dẫn người dân sống gắn bó lâu dài. Một số người có điều kiện thì chuyển chỗ ở ra khỏi khu tái định cư; một số khác chỉ đến làm nhà tạm để đấy, rồi trở về sống nơi ở cũ...
Quan tâm để cuộc sống của các hộ thuộc diện di dời tái định cư đến nơi ở mới phải đảm bảo có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ là quan điểm, là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về tái định cư. Với bà con các dân tộc thiểu số miền núi, vấn đề đảm bảo có cuộc sống ở nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ, tức là ngoài đáp ứng điều kiện sản xuất sinh sống lâu dài, còn phải phù hợp nhất định với phong tục, tập quán của họ. Suy cho cùng, vấn đề tái định cư cho bà con dân tộc thiểu số miền núi thực chất đó là hình thức tái lập làng mới. Dĩ nhiên, mới là phải hiện đại, là phải phù hợp với quy hoạch chung trong bố trí lại dân cư. Nhưng dù có hiện đại đến đâu, các nhà hoạch định chính sách cũng không nên áp đặt chủ quan, mà phải tôn trọng phong tục tập quán của họ. Bởi vì việc lập làng của các tộc người thiểu số miền núi không chỉ đơn thuần là nơi ở, mà còn gắn với không gian lao động sản xuất, gắn với không gian văn hóa tín ngưỡng. Vậy nên khi những yếu tố văn hóa của họ còn chưa được tôn trọng, chắc chắn các khu tái định cư được xây dựng nên sẽ vô hồn, sẽ thiếu bền vững.
Văn Bốn