Hôm nay (10/3 âm lịch), hàng triệu người con đất Việt dù ở trong nước hay nước ngoài lại có dịp hướng về đất Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng.
Trước đó, chiều 30/3 (tức ngày 9/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm và dâng hương tưởng niệm các vua Hùng.
Tại núi Nghĩa Lĩnh, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng chí Phạm Quang Nghị cùng đoàn đại biểu đã kính cẩn dâng hương, hoa, lễ vật, tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên; cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, nguyện cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam ngày càng thịnh vượng.
Nhân dịp về thăm và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, đồng chí Phạm Quang Nghị chúc mừng tỉnh Phú Thọ nhân sự kiện hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới, đồng thời mong muốn tỉnh tiếp tục dành thời gian, tâm huyết hoàn thiện hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để trình UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại...
Lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng là hoạt động ý nghĩa hàng năm của những người con đất Việt luôn một lòng hướng về cội nguồn. |
Lễ hội Đền Hùng diễn ra từ ngày 26 đến 31/3 (từ mùng 5 đến 10/3 Nhâm Thìn), trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các phường, xã lân cận. Năm nay lễ hội Đền Hùng có nhiều nét mới, ngoài lễ giỗ Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương Tổ mẫu Âu Cơ ngày 27/3 (6/3 Âm lịch) và dâng hương tưởng niệm các vua Hùng ngày 31/3 (10/3 Âm lịch) còn có lễ rước kiệu của các xã, phường về Đền Hùng, đánh trống đồng, múa sư tử, hát xoan, triển lãm ảnh về các di tích thời đại Hùng Vương… cùng các hoạt động thể thao, văn hóa: thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, biểu diễn cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương 2012, giải bơi thuyền trên sông Lô, hội chợ Hùng Vương, bắn pháo hoa tầm thấp. Nhiều công trình, hạng mục cũng được triển khai xây dựng mới, khang trang như: Trung tâm lễ hội, hệ thống cấp nước, cải tạo cảnh quan, hệ thống hồ dưới chân núi Hình Nhân và đồi Lật Mật, hệ thống vỉa hè, cổng biểu tượng.
Tất cả công trình, hạng mục, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư trong dịp này đều đảm bảo giá trị không gian văn hóa của khu di tích và hài hòa với môi trường chung quanh để nơi đây vừa là thắng cảnh đẹp vừa là một di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam, là nơi thờ cúng trang nghiêm, thể hiện lòng biết ơn đời đời của con cháu đối với tổ tiên đã có công dựng nước.
Cho dù năm nay, lễ giỗ Tổ được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh do không phải năm chính nhưng công tác chuẩn bị rất chu đáo bởi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được UBND tỉnh Phú Thọ lập hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đến ngày chính hội 10/3, theo ước tính đã có khoảng 6 triệu du khách hành hương về với đất Tổ. Hiện nay, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đang thực hiện ở 1.417 đền thờ trong cả nước. Theo thống kê, những địa phương có đền thờ các Vua Hùng đông nhất là Phú Thọ (326 điểm), Hà Nội (425), Bắc Ninh (168), Vĩnh Phúc (62), TP.Hồ Chí Minh (14)…
Báo điện tử VnMedia