Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo

07:03, 12/03/2012
.

(QNg)- Lâu nay, các quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo phần lớn do các tổ chức xã hội phi chính phủ lập ra và điều hành. Quy mô những quỹ này thường nhỏ, và mặc dù tác dụng hỗ trợ của các quỹ này là tích cực đối với một bộ phận phụ nữ nghèo trong tỉnh, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ ở những vùng sâu vùng xa, nhưng do quy mô và tính chất của các quỹ còn hạn chế nên chưa thể với tới tất cả phụ nữ nghèo trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong cả nước đã đi trước một bước khi đứng ra thành lập quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo lấy nguồn từ ngân sách của thành phố và giao cho Hội phụ nữ thành phố điều hành. Dĩ nhiên, một thành phố có mức tăng trưởng và thu nhập khá cao như Đà Nẵng có nhiều điều kiện để lập quỹ này, vả lại địa bàn thành phố cũng không thể rộng như địa bàn một tỉnh nên dễ khoanh vùng và đi tới được tất cả phụ nữ nghèo ở đó. Với một tỉnh khá rộng và có địa bàn phức hợp như Quảng Ngãi, việc quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh với tay được tới tất cả phụ nữ nghèo trong tỉnh sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng không thể vì khó mà không lập quỹ, và vì khó mà quỹ không thể hoạt động hiệu quả. Khi lập quỹ, ngoài tiền ngân sách, quỹ còn thu hút được sự đóng góp của các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong tỉnh. Sự đóng góp này là tự nguyện, nhưng là sự tự nguyện được yêu cầu. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trực tiếp yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đóng góp vào quỹ này.

Hội phụ nữ tỉnh sẽ là cơ quan đứng ra quản lý và điều hành quỹ. Tất cả các hội phụ nữ xã trong toàn tỉnh sẽ thống kê và báo cáo về quỹ do Tỉnh hội phụ nữ quản lý danh sách những hộ phụ nữ nghèo trong tỉnh cần được hỗ trợ.

Một khi đã có tiền, thì phương thức hỗ trợ cho phụ nữ nghèo lại là điều cần thiết nhất. Kinh nghiệm thành công từ một số quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo do các tổ chức phi chính phủ điều hành, là một khi quỹ gắn chặt được với hoạt động của các hội phụ nữ cơ sở, nắm vững được những đối tượng phụ nữ nghèo cần hỗ trợ, và tìm được "cần câu" cho sự hỗ trợ ấy, thì quỹ sẽ hoạt động có hiệu quả. Những phụ nữ nghèo sau một thời gian nhận được quỹ hỗ trợ sẽ sản xuất, chăn nuôi hay mua bán có lời.

Và khi họ hoàn trả tiền hỗ trợ cho quỹ, là họ đã có một "quỹ riêng" của mình để có thể sử dụng nó làm đòn bẩy thoát nghèo, hoặc hơn thế là vươn lên có một cuộc sống khấm khá cho gia đình mình. Số tiền quỹ cho mượn "luân lưu" ấy sẽ được chuyển sang cho hộ phụ nữ nghèo khác vay. Những hoạt động này không chỉ dựa vào các hội phụ nữ cơ sở, mà còn cần sự giám sát chặt chẽ của ban điều hành quỹ. Nếu ban điều hành quĩ thiếu tích cực trong việc kiểm soát và điều phối, thì quỹ sẽ lập tức bị "nghẽn mạch". Để có lực lượng điều phối, nếu chỉ dựa vào biên chế của quỹ thì không đủ, mà cần thu hút được những tình nguyện viên, có thể lấy từ lực lượng của Đoàn thanh niên hay của Hội phụ nữ.

Phụ nữ là người giữ "tay hòm chìa khóa" kinh tế trong mỗi gia đình. Vì thế, chọn phụ nữ để hỗ trợ thoát nghèo, trao tiền quỹ cho vay không lãi vào tay phụ nữ là hợp lý nhất.


Thanh Thảo
 


.