Lễ hội và... rác

09:03, 08/03/2012
.

(QNg)- Tháng Giêng là tháng ăn chơi… Cổ nhân bảo thế, mà có thế thật. Qua Tết, một bộ phận công nhân, người lao động và viên chức Nhà nước trở lại với công việc hàng ngày, một bộ phận rất đông khác thì lao vào ăn chơi.

 

Từ Nam chí Bắc, các lễ hội dày đặc, gần như ngày nào cũng có một lễ hội được "khai mạc" với trống giong cờ mở ở đâu đó. Người đi lễ hội, đông như kiến cỏ. Kèm theo các cuộc vui chơi bất tận ấy là bao nhiêu hệ lụy hết sức phiền toái. Nào chùa giả, sư giả, nào bói toán, coi chỉ tay, nào đồng bóng, xem quẻ, nào bầu cua, xóc dĩa… rồi cảnh “chặt chém” du khách, cảnh móc túi người du xuân của bọn ma cô bất lương diễn ra nhan nhản. Và cuối cùng là rác.

Một nhà thơ ở Quảng Ngãi, sau khi đi dạo một vòng qua các điểm du lịch và chùa chiền trong tỉnh đã phải thốt lên "Quê hương ta ơi rác còn nhiều quá!". Dĩ nhiên, với câu cảm thán ấy, rác với ông nhà thơ này không hẳn chỉ là … rác thải từ lá chuối và túi ni lông hay lông gà lông vịt hoặc vỏ lon bia. Có một thứ rác khác vừa vô hình vừa hữu hình, đó là ý thức của người tham gia lễ hội. Những nơi được coi là thiêng liêng nhất giờ biến thành điểm kinh doanh với nhiều trò nhố nhăng phản cảm. Rồi cảnh ăn mày ăn xin sắp hai hàng như tiêu binh tại các điểm du xuân, trông vừa nhếch nhác vừa thảm thương, vừa mất văn minh.

Một số điểm du xuân, đội thu gom rác các huyện, xã hoặc Công ty môi trường còn ý tứ để dăm ba thùng "hãy cho tôi rác", nhiều điểm hoàn toàn không thấy bóng dáng một thùng đựng rác nào. Mà dù có thùng "xin rác" hay chẳng có thùng chứa rác nào thì người đi chơi xuân cũng chả quan tâm là mấy. Bạ đâu vứt rác đó, từ que kem đến túi ni lông, từ hộp xốp đựng đồ ăn cho đến vỏ lon bia, nước ngọt, tất cả ngổn ngang như một bãi rác khổng lồ sau một ngày "đón khách". Một số ngôi chùa, khách đến tham quan hoặc xin xăm bói toán, người thu tiền sẽ không "bỏ sót" một khách nào nhưng người dọn rác thì chả thấy đâu. Lẽ ra số tiền thu được ấy nên trích một phần để thuê người dọn rác, đằng này, tiền từ khách tham quan thì thu đủ mà rác thì chẳng vơi chút nào. Tại điểm du xuân trên đỉnh Thiên Ấn là một ví dụ. Bây giờ mà dạo quanh một vòng trên đỉnh danh thắng này sẽ thấy một cảnh tượng rầu lòng: rác giăng mắc khắp nơi, từ quanh mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng đến chung quanh các ngôi mộ quanh chùa Thiên Ấn, chỗ nào cũng thấy "bẩn mắt".

Du xuân là một phần sinh hoạt văn hóa của người Việt, nhưng có lẽ, vừa đi chơi xuân lại vừa xả rác vô tội vạ tại các điểm du lịch không phải là "thói quen" từ ngàn xưa để lại. Đi lễ tại các đình, chùa là một cách tri ân tiền nhân nhưng tiền nhân chắc chắn sẽ không nhận rác từ con cháu vậy!


  Trần Đăng
 


.