Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước

02:03, 29/03/2012
.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011 vừa được Bộ Lao động - Thương binh Xã hội công bố, cả nước hiện có 2.580.885 hộ nghèo, 1.530.295 hộ cận nghèo.
 

Cả nước hiện còn hơn 4 triệu hộ nghèo và cận nghèo - Ảnh minh họa
Cả nước hiện còn hơn 4 triệu hộ nghèo và cận nghèo - Ảnh minh họa

Điều tra được thực hiện tại 63/63 tỉnh thành của cả nước, phân theo 8 vùng là: Miền núi Đông Bắc, miền núi Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng; Khu IV cũ; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 33,02%; tiếp đến là miền núi Đông Bắc 21,01%; Tây Nguyên 18,62%; Khu 4 cũ 18,28%; Duyên hải Miền Trung 14,49%; Đồng bằng sông Cửu Long 11,39%; Đồng bằng Sông Hồng 6,5% và Đông Nam Bộ 1,7%.

8 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là Tp Hồ Chí Minh (0,006%), Bình Dương (0,01%), Đồng Nai (1,24%), Bà Rịa Vũng Tàu (2,95%), Đà Nẵng (2,98%), Hà Nội (3,14%), Tây Ninh (4,27%), Quảng Ninh (4,89%).

Một số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Điện Biên 45,28%, Lai Châu 38,88%, Hà Giang 35,38%, Lào Cai 35,29%...

Về số hộ cận nghèo, vùng có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất là Khu IV cũ 13,78%; tiếp đến là miền núi Tây Bắc 12,08%. Vùng có tỷ lệ hộ cận nghèo thấp nhất là Đông Nam Bộ 1,78%.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011 tại 62 huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP cho thấy có 37 huyện nghèo có số hộ nghèo trên 50% gồm: Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần (tỉnh Hà Giang); Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông (tỉnh Cao Bằng); Si Ma Cai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai)...

Việc rà soát số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc năm 2011 là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác năm 2012.

Những năm qua, việc tập trung thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010.

Hiện nay Đảng, Nhà nước tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực và ban hành nhiều chính sách mới về giảm nghèo và an sinh xã hội để hỗ trợ người nghèo, như: Tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn…; Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP...; ban hành một số chính sách an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo khó khăn về đời sống như: Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhiều nguồn lực khác cũng được huy động cho giảm nghèo và an sinh xã hội.

 

Theo Chinhphu.vn


.